Nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bạc Liêu
Thông qua dữ liệu thứ cấp thu thập được từ Cục thống kê tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý dự án công trình đầu tư nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2013-2017, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tổng hợp, đánh giá, phân tích, so sánh thực trạng quản lý các công trình dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua.
Đồng thời, nhóm tác giả tiến hành khảo sát ý kiến chuyên gia để đưa ra giải pháp giúp hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn ở tỉnh Bạc Liêu.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng nói chung và lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện đầu tư, quản lý tiến độ, chất lượng công trình và nghiệm thu thanh quyết toán hoàn thành công trình là những công việc quan trọng của quản lý đầu tư xây dựng. Tại tỉnh Bạc Liêu, hầu hết các dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp cơ bản đảm bảo được công năng sử dụng theo yêu cầu thiết kế, không có sai sót lớn về kỹ thuật và phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một số dự án khiếm khuyết về chất lượng hoặc để xảy ra sự cố kỹ thuật, chậm tiến độ gây lãng phí và bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm hiệu quả, mục tiêu đầu tư.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu trong quá trình hoạt động nói chung còn tồn tại một số hạn chế như: Lực lượng nhân sự quản lý dự án còn thiếu tính chuyên nghiệp; bản lĩnh; tính độc lập; sáng tạo chưa cao; công nghệ áp dụng chưa hiện đại; hệ thống văn bản pháp quy chưa rõ ràng, chồng chéo; quy trình quản lý chưa được hoàn thiện, chưa thực hiện đúng các quy chế, quy trình quản lý dự án. Quy trình quản lý chưa thực sự phù hợp với thực tế thi công, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai dự án. Vì vậy, vấn đề hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là vấn đề cần xem trọng.
Công tác quản lý dự án xây dựng các công trình nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bạc Liêu
Một số kết quả đạt được
Giai đoạn 2013 - 2017, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình nông nghiệp nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã tập trung đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ được UBND Tỉnh giao, kết quả đạt được khá tích cực. Bộ máy tổ chức của Ban, hoạt động ổn định nề nếp.
Số lượng công trình mà Ban Quản lý dự án xây dựng công trình nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bạc Liêu được giao quản lý trong giai đoạn 2013 - 2017 là 230 công trình (bao gồm các công trình do Ban làm chủ đầu tư và tư vấn cho các chủ đầu tư). Ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình trên từng lĩnh vực theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Việc tổ chức thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng bước đầu được thực hiện nhịp nhàng, bài bản theo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng.
Quá trình quản lý dự án xây dựng các công trình chưa xảy ra hiện tượng công trình bị chậm tiến độ nghiêm trọng. Ban Quản lý dự án thường xuyên tổ chức họp giao ban với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thi công.
Nhìn chung, các dự án đều được đầu tư đúng mục đích, phục vụ đời sống an sinh xã hội. Việc quản lý dự án cho từng công trình cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng cơ bản. Mặc dù, tiến độ thực hiện của một số công trình bị chậm so với kế hoạch của dự án, song vẫn nằm trong khả năng kiểm soát và đã được gấp rút triển khai. Kế hoạch vốn được giao hàng năm cho Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư đều thực hiện giải ngân đạt từ 92% so với kế hoạch cấp trên giao.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản công trình nông nghiệp
Giai đoạn 2013 - 2017, Ban Quản lý dự án đã thực hiện tốt công tác quản lý dự án, từ khâu lựa chọn tư vấn thiết kế cho đến khâu thẩm tra, thẩm định; lựa chọn nhà thầu thi công; lựa chọn tư vấn giám sát và thanh toán các khối lượng công việc hoàn thành trong 03 giai đoạn đầu tư, từ chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng, đưa công trình vào khai thác sử dụng. Các công trình đều đảm bảo tiến độ thi công, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả đầu tư.
Những tồn tại trong công tác quản lý dự án xây dựng
Tồn tại trong khâu quản lý, điều hành dự án của Ban Quản lý dự án: Khâu quản lý dự án hiện nay vẫn còn hạn chế, công tác lựa chọn nhà thầu tư vẫn chưa đảm bảo, dẫn đến lựa chọn phải đơn vị tư vấn có năng lực kém. Đáng chú ý, năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ, công chức tham gia công tác Quản lý dự án còn hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; kỹ năng nhận thức, phối hợp làm việc với các cơ quan liên quan chưa đạt hiệu quả cao, trong quá trình thực hiện còn để xảy ra thiếu sót, vi phạm.
Tồn tại trong khâu khảo sát, lập dự án đầu tư: Chất lượng hồ sơ thiết kế, dự toán còn nhiều hạn chế, thiếu chuẩn xác. Trong công tác thiết kế, còn chưa đưa ra được giải kế phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình. Thiết kế dựa vào các số liệu khảo sát chưa chính xác dẫn đến nhiều chi tiết thiếu khả thi, phải thiết kế điều chỉnh, bổ sung, làm chậm tiến độ, gây lãng phí, hiệu quả công trình thấp.
Một số dự án bản vẽ thiết kế thi công chất lượng còn chưa đạt yêu cầu, nhiều chi tiết thiếu kích thước, mặt cắt, quy cách cấu tạo, dự toán lập không chính xác, tính sai khối lượng, áp sai đơn giá và chế độ chính sách làm tăng chi phí đầu tư. Hoạt động giám sát của đơn vị tư vấn chưa nghiêm túc, trách nhiệm chưa cao.
Tồn tại trong khâu thẩm tra dự án: Độ chính xác của công tác thẩm tra chưa cao do chất lượng hồ sơ dự án cũng như thiết kế, tổng dự toán chưa đề cập hết các nội dung của một dự án theo quy định về số liệu khảo sát, nghiên cứu hiện trạng, công tác dự báo... Cơ quan thẩm tra cũng chưa tập trung xem xét kỹ các nội dung của dự án và chủ quan tin tưởng hồ sơ do chủ đầu tư cung cấp và sự giám sát của đơn vị tư vấn, chỉ tập trung vào kiểm tra các thủ tục pháp lý. Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều dự án được tư vấn, thẩm tra sơ sài, khi triển khai lại phải điều chỉnh thiết kế - dự toán làm tăng tổng mức đầu tư.
Một số đơn vị tư vấn thẩm tra còn thiếu tinh thần trách nhiệm, trong quá trình thẩm tra không phát hiện ra các sai sót của tư vấn khảo sát thiết kế, dự toán. Khâu đóng dấu thẩm tra không thực hiện kiểm soát hồ sơ dẫn đến còn có những bất hợp lý trong thiết kế, hoặc có sự không thống nhất giữa các bản vẽ và dự toán.
Tồn tại trong khâu triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công: Nhận thức, hiểu biết của những người làm công tác đấu thầu còn chưa đúng, chưa đầy đủ. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu không được chỉ dẫn cụ thể, thiếu đào tạo cơ bản, điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền để thực hiện các hành vi như gạt bỏ các nhà thầu không mong muốn và tạo cơ hội thắng thầu cho các nhà thầu có chủ định.
Các quy định về điều kiện tiên quyết đối với các nhà thầu được áp dụng một cách tuỳ tiện, dẫn đến tình trạng coi những điều kiện không cơ bản trở thành điều kiện tiên quyết để gạt nhà thầu và ngược lại chuyển điều kiện cơ bản thành điều kiện không tiên quyết để tạo cơ hội cho các nhà thầu không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách, thậm chí thắng thầu.
Chất lượng nhiều công trình đưa vào sử dụng kém, không mang lại hiệu quả do năng lực nhà thầu yếu: Rất nhiều nhà thầu thi công không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng thi công về năng lực máy móc thiết bị, khả năng ứng vốn, tiến độ thi công. Nhiều hạng mục thi công không đúng thiết kế được duyệt nhưng vẫn nghiệm thu, thanh toán đúng như bản vẽ thi công được duyệt. Việc lập hồ sơ hoàn công cũng không đúng quy định: ghi nhật ký, lập bản vẽ hoàn công không đúng thực tế thi công (thường lấy bản vẽ thiết kế làm bản vẽ hoàn công).
Giải pháp hoàn thiện công tác quản lý dự án xây dựng công trình nông nghiệp, nông thôn
Để phát huy các kết quả đạt được trong công tác quản lý dự án xây dựng công trình nông nghiệp, nông thôn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bạc Liêu cần tập trung thực hiện các giải pháp về tổ chức quản lý dự án xây dựng dự án, nâng cao công tác lựa chọn và quản lý nhà thầu thiết kế, công tác thẩm tra dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công… Cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện tổ chức quản lý dự án xây dựng: Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý dự án; nghiên cứu và bố trí cán bộ sao cho đúng chuyên môn nghiệp vụ, có hiệu quả. Đặc biệt, cần tiêu chuẩn hóa cán bộ và tổ chức tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như xác định chính thức chức danh kỹ sư quản lý dự án để có cơ sở tiêu chuẩn hóa nhân lực. Cán bộ quản lý dự án xây dựng phải có đầy đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định. Cần hoàn thiện bộ máy quản lý đồng bộ thống nhất trong việc tổ chức thực hiện dự án và điều hành quản lý dự án. Đây là yêu cầu khách quan, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
Để quản lý có hiệu quả, vấn đề chuyên môn hóa bộ máy quản lý là cần thiết, tránh chồng chéo trong công tác quản lý. Các cán bộ quản lý phải có chứng chỉ hành nghề quản lý, có trình độ năng lực chuyên môn phù hợp, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt và đặc biệt là am hiểu về pháp luật. Trách nhiệm của từng tổ chuyên môn làm công tác tổ chức và quản lý cần được phân công rõ ràng, thống nhất trong chỉ đạo và hướng dẫn, không để xảy ra tình trạng chồng chéo gây khó khăn cho từng tổ chuyên môn. Đồng thời, cần từng bước thiết lập bộ máy Quản lý dự án chuyên nghiệp và đạt hiệu quả. Đây là giải pháp mang tính tổng hợp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa các tổ chuyên môn trong đơn vị.
Thứ hai, nâng cao công tác lựa chọn và quản lý nhà thầu thiết kế: Cụ thể là cần lựa chọn nhà thầu thiết kế có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ tư vấn thiết kế các dự án theo đúng ngành nghề đã đăng ký; Phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư, trước pháp luật về sản phẩm tư vấn xây dựng mà đơn vị lập ra.
Đồng thời, thay đổi cách tính chi phí thiết kế không theo hướng xác định theo tỷ lệ dự toán công trình để tránh việc nhà thầu tư vấn thiết kế nâng giá công trình để được hưởng chi phí chênh lệch thiết kế, giảm trách nhiệm đối với sản phẩm, gây lãng phí vốn đầu tư và kéo theo nhiều vấn đề tiêu cực khác.
Tư vấn thiết kế khi nhận thiết kế cho công trình hay một dự án yêu cầu phải có ít nhất 3 phương án thiết kế, có giải pháp tối ưu về mặt kỹ thuật và kinh tế để chủ đầu tư chọn một trong các phương án đó. Hồ sơ thiết kế - dự toán công trình phải được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về xây dựng tổ chức thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định. Đối với các dự án lớn, phức tạp cần mời tư vấn độc lập kiểm tra và phản biện, để có được phương án tối ưu và đạt hiệu quả cao.
Nên có quy định cụ thể tỷ lệ được phép sai sót của tư vấn thiết kế khi lập bản vẽ kỹ thuật và dự toán. Nếu vượt quá tỷ lệ thì phải quy định mức bồi thường cụ thể (có thể bằng với số tiền vượt tỷ lệ). Những đơn vị tư vấn có năng lực yếu kém, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động lĩnh vực xây dựng nên mạnh dạn rút giấy phép hành nghề, công bố trên trang thông tin đấu thầu và không cho tham gia các dự án tại địa phương.
Thứ ba, nâng cao công tác thẩm tra dự án: Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động thẩm tra phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc thực hiện; có hệ thống quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm về chất lượng các công việc do mình thực hiện trước chủ đầu tư và trước pháp luật. Cùng với đó, đầu tư đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực của công tác thẩm tra hồ sơ thiết kế. Tuân thủ các quy định của pháp luật về Quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng trong quá trình thực hiện công tác thẩm tra. Đặc biệt, cần chú trọng các điểm sau: Đề xuất ứng dụng các các giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; Đảm bảo sự phù hợp giữa khối lượng dự toán và hồ sơ thiết kế; đơn giá định mức công việc so với biện pháp thi công; giá cả vật liệu phù hợp với thị trường và yêu cầu sử dụng để tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình triển khai dự án.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công: Trong công tác lập hồ sơ mời thầu, phải ban hành các tiêu chí rõ ràng, cụ thể và công khai nhằm tránh tình trạng hạn chế số lượng nhà thầu tham gia dự thầu do những tiêu chí đánh giá đưa ra quá cao. Quy định cụ thể hơn nữa tiêu chuẩn đối với thành viên tổ chuyên gia, số lượng chuyên gia xét thầu, đảm bảo quá trình xét thầu, tổ chuyên gia phải độc lập với các nhà thầu.
Ngoài ra, cần có những chế tài cụ thể xử phạt nghiêm minh hiện tượng thông thầu, chống phá giá trong đấu thầu. Đồng thời, gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu. Đối với các gói thầu có giá trúng thầu thấp hơn giá gói thầu được phê duyệt trên 10%, cần có quy định cụ thể tăng mức tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng để ràng buộc và nâng cao trách nhiệm của nhà thầu trúng thầu và nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại tất cả các nhà thầu có năng lực yếu kém, thi công công trình không đạt chất lượng trước đây để có chế tài thích hợp. Đối với những nhà thầu có hình thức gian lận trong đấu thầu như mượn pháp nhân, mượn các nguồn năng lực của nhà thầu khác để tham gia đấu thầu hoặc đấu thầu xong rồi bán thầu... tùy theo mức độ cần có hình thức xử lý thật thích đáng. Nặng thì cấm tham gia hoạt động đấu thầu vĩnh viễn, nhẹ thì cấm tham gia trong 5 năm, đồng thời công khai thông tin về sai phạm đó.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác giám sát thi công: Các đơn vị tư vấn giảm sát cũng như chủ đầu tư khi phân công cán bộ giám sát phải có sự lựa chọn cá nhân tham gia quản lý giám sát thi công có trách nhiệm, năng lực đúng với chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế phong phú, nhanh nhẹn, nhạy bén trong quá trình xử lý công việc, có phẩm chất đạo đức tốt và phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Song song đó, cần cử cán bộ của đơn vị mình tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng giám sát, nắm bắt được các quy định pháp luật mới về giám sát thi công công trình để tổ chức thực hiện đúng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của dự án.
Thứ sáu, phương hướng hoàn thiện khâu thanh, quyết toán công trình: Thời gian nghiệm thu, thời gian thanh toán phải được quy định rõ ràng trong hợp đồng giao nhận thầu thi công, vốn đầu tư trong năm phải nghiệm thu xác nhận khối lượng, giá trị thực hiện trong năm làm cơ sở thanh, quyết toán vốn đầu tư năm đó.
Như vậy, mới nâng cao trách nhiệm đối với chủ đầu tư, tránh tình trạng chủ đầu tư không làm thủ tục, gây khó khăn, không nghiệm thu kịp thời cho các nhà thầu. Trường hợp chủ đầu tư không làm hoặc chần chừ trong thực hiện các thủ tục nghiệm thu thanh quyết toán cho nhà thầu khi nhà thầu đủ điều kiện thì phải quy trách nhiệm vật chất cho chủ đầu tư.
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng theo hướng tăng mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm kỷ luật lập và phê duyệt báo cáo quyết toán dự án đầu tư xây dựng hoàn thành nhằm chấm dứt tình trạng chậm quyết toán vốn đầu tư đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Cụ thể, quy định mức phạt đối với nhà thầu, chủ đầu tư khi lập và gửi báo cáo quyết toán công trình chậm, có thể là 0,2% so với giá trị quyết toán hạng mục công trình, công trình, dự án hoàn thành cho một ngày gửi chậm báo cáo quyết toán vốn đầu tư đến cơ quan thẩm tra.
Đồng thời, chủ đầu tư phải kiểm điểm quy rõ trách nhiệm cá nhân của đơn vị trong việc lập, gửi báo cáo quyết toán chậm và cá nhân đó phải bồi thường để cá nhân đó rút kinh nghiệm trong những công trình sau.
Bên cạnh đó, cần công khai quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, công khai quyết toán. Kho bạc Nhà nước chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn tất các hồ sơ pháp lý để làm cơ sở tạm ứng và kiểm soát thanh toán vốn đầu tư; Niêm yết công khai quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tài liệu tham khảo:
- Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
- Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;
- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 về quy định quyết toán dự án hoàn thành thuộc vốn nhà nước;
- Phạm Phú Cường (2016), “Hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải”, Tạp chí giao thông vận tải...