Tiềm ẩn rủi ro từ thương mại điện tử
(Tài chính) Cùng với sự phát triển như vũ bão của lĩnh vực công nghệ thông tin, các dịch vụ mua bán thông qua hoạt động thương mại điện tử (TMÐT), chủ yếu là mua, bán qua in-tơ-nét ra đời đã nhanh chóng trở thành xu hướng tiêu dùng mới của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà TMÐT đem lại, người tiêu dùng cũng đang phải đối mặt với không ít rủi ro.
Chỉ cần nhấp chuột
Tại trang mạng sieuthimuachung.vn, hàng loạt các loại đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu Casio được quảng cáo và rao bán có mức giá dao động từ 699 nghìn đồng đến 1,69 triệu đồng/chiếc, tùy từng mẫu mã, chủng loại. Ðây là mức giá ưu đãi sau khi giảm giá "cực sốc" lên tới hơn 68% so với mức giá niêm yết ban đầu từ 2,2 triệu đồng đến 6,95 triệu đồng/chiếc.
Tương tự, đồng hồ cơ Thụy Sĩ cao cấp Tissot Automatic Chronometer được bán với giá 3,5 triệu đồng so với mức giá niêm yết ban đầu 8,99 triệu đồng hay như túi xách nữ thời trang châu Âu Beier có giá bán là 688 nghìn đồng, giảm đến gần 55% so với mức giá niêm yết. Nhiều trang mạng in-tơ-nét khác như hlshop.vn; muachungtb.vn; muachungtoanquoc.vn... cũng đăng tải, rao bán hàng loạt các loại hàng hóa, dịch vụ của các hãng thời trang, hóa mỹ phẩm nổi tiếng thế giới cùng với rất nhiều mức giá khác nhau để khách hàng có thể lựa chọn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng cho biết, thời gian gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, TMÐT đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Ðây là hình thức kinh doanh trực tuyến, kinh doanh xem mạng in-tơ-nét, cho phép người mua không mất thời gian đi ra cửa hàng, chỉ cần ngồi xem mạng in-tơ-nét, lựa chọn sản phẩm rồi nhấp chuột hoặc gọi điện, sản phẩm sẽ được giao tận nơi. Tiện ích mà TMÐT đem lại vô cùng to lớn cho người sử dụng.
Chị Lê Thùy Trang, cán bộ Công ty cổ phần xuất khẩu lao động Hàng không cho biết: "Là thành viên "vip" của một trang bán hàng qua mạng và thường xuyên mua hàng trên mạng in-tơ-nét do tiện lợi, lại không mất quá nhiều thời gian tìm kiếm tại các cửa hàng. Khi mua trên mạng in-tơ-nét, tôi chỉ cần vài cái nhấp chuột là có ngay thông tin đầy đủ về sản phẩm, sau đó, qua vài thao tác đặt hàng đơn giản là có người mang hàng đến tận nơi mình làm việc, kiểm tra và trả tiền là xong. Ngoài ra, các sản phẩm trên mạng in-tơ-nét thường có giá rẻ hơn bên ngoài cửa hàng khiến cho người tiêu dùng quan tâm và đặt mua ngày càng đông".
Cũng theo chị Trang, mặt tiện lợi đã rõ ràng, tuy nhiên để đánh giá chất lượng hàng hóa lại là điều hoàn toàn khác. "Cẩn thận như tôi cũng từng "dính trái đắng" tới 3-4 lần. Do mình cả tin, chuyển tiền trước nhưng không thể kiểm tra được hàng hóa dẫn tới khi nhận sản phẩm mới "té ngửa" hàng kém chất lượng hoặc hàng giả. Chính vì vậy, tôi rất hạn chế mua hàng xa và trả tiền trước cũng như kèm theo yêu cầu có người mang đến, kiểm tra chất lượng xong mới trả tiền".
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thanh Hằng (trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) khẳng định, việc mua bán hàng hóa qua mạng in-tơ-nét ngày càng phát triển. Thế nhưng, hành vi lừa đảo từ những người làm ăn không chân chính cũng không phải ít. Cách đây ba tháng, do ham giá rẻ nên chị đặt mua chiếc áo sơ-mi trên một trang mạng in-tơ-nét từ TP. Hồ Chí Minh chuyển ra. Khi nhận hàng, thấy mẫu mã, chủng loại giống hình ảnh mà mình đã lựa chọn. Nhưng khi sử dụng, chỉ sau hai lần giặt thì chiếc áo bỗng nhiên rách tả tơi, không rõ lý do. Bức xúc gọi lại phản ánh thì họ trả lời "ráo hoảnh": "Ðó là lỗi của người sử dụng...?!".
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Thanh Hưng, một trong những nguyên nhân để TMÐT Việt Nam chưa phát triển như mong muốn đó là mua hàng trên mạng in-tơ-nét có nhiều rủi ro, trong khi giá lại không rẻ hơn là bao so với việc trực tiếp đến cửa hàng lựa chọn. Tiếp đến, chi phí chuyển phát của nước ta còn tương đối cao.
Vì vậy, chỉ khi giảm được giá thành vận chuyển, giao hàng,... mới có thể giúp hình thức mua sắm trực tuyến có thêm nhiều ưu đãi, lợi thế hơn hẳn hình thức mua sắm truyền thống. Lúc đó, sẽ không chỉ giúp tháo gỡ các rào cản, mà còn là động lực thúc đẩy TMÐT ngày càng phát triển.
Nếu ví quá trình phát triển của TMÐT là một con dốc thì các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản đã sắp lên đến đỉnh dốc, còn Việt Nam mới chỉ bắt đầu leo dốc với khoảng cách vào khoảng 5-7 năm. Hạ tầng in-tơ-nét và 3G của Việt Nam tương đối tốt cộng với hơn 33 triệu người sử dụng in-tơ-nét, trong đó có khoảng 18 triệu người tham gia mua bán trực tuyến, là cơ hội vô cùng thuận lợi để TMÐT phát triển.
Ðến năm 2015, TMÐT Việt Nam sẽ có một bộ mặt hoàn toàn mới, mang đến những trải nghiệm và lợi ích thật sự cho người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp (DN) tham gia TMÐT. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là phải tạo được lòng tin từ phía người tiêu dùng. Muốn giải quyết được vấn đề này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các DN và cả của người tiêu dùng. Cần nâng cấp và hoàn thiện dịch vụ chuyển phát, để hàng hóa tới tay người tiêu dùng nhanh hơn, rẻ hơn. Các trường hợp vi phạm hay lợi dụng TMÐT để lừa đảo phải bị xử lý mạnh tay.
Khi mua hàng hóa, người mua không trực tiếp kiểm tra chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà chỉ đánh giá trên cơ sở thông tin do người bán hoặc các chủ thể khác cung cấp, do đó, phải hết sức thận trọng khi lựa chọn các trang mạng in-tơ-nét có uy tín, tìm hiểu rõ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm... nhằm tránh rủi ro.