Tiền gửi tiết kiệm tăng 2.000 tỷ USD, ngân hàng Mỹ "bơi trong tiền mặt"
Hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp nhận thêm 2.000 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 1. Riêng tháng 4, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tăng thêm 865 tỷ USD, cao hơn cả kỷ lục của một năm.
2.000 tỷ USD tiền mặt được chuyển vào tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này hồi tháng 1, theo số liệu từ Công ty Bảo hiểm Ký thác Mỹ (FDIC).
Quy mô dòng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng là chưa từng có. Riêng tháng 4, lượng tiền gửi tiết kiệm tăng thêm 865 tỷ USD, cao hơn kỷ lục của một năm.
Xu hướng trên phần nào do ảnh hưởng bởi Covid-19. Chính phủ Mỹ chi hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân thông qua séc hoặc phúc lợi thất nghiệp. Fed triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường tài chính, như mua trái phiếu không giới hạn. Tương lai bất định khiến những người ra quyết định, từ ở hộ gia đình cho đến doanh nghiệp toàn cầu, tích trữ tiền mặt.
Quy mô tiền gửi tiết kiệm tại Mỹ qua các năm. |
2/3 lượng tiền trên được gửi vào 25 ngân hàng lớn nhất, FDIC cho biết, và chủ yếu tập trung ở nhóm đầu ngành như JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup trong quý I.
“Bất kể như thế nào, mức tăng này hoàn toàn bất ngờ”, Brian Foran, nhà phân tích tại Autonomous Research, nói. “Ngân hàng tràn ngập tiền mặt. Họ giống như Scrooge McDuck đang bơi trong tiền vậy”.
Theo Foran, các ngân hàng đang thận trọng khi cho vay tiền trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hiện tại chưa kết thúc, và không có nhiều lựa chọn cho “núi tiền mặt” này.
“Nhiều ngân hàng như muốn nói ‘chúng tôi không thể làm gì nhiều vào lúc này’”, Foran nhận định.
Giới chuyên gia lo ngại về các hệ lụy từ tình trạng hiện nay như USD mất giá, lạm phát tăng…. Với người gửi tiết kiệm, ngân hàng chắc chắn sẽ hạ lãi suất, vốn đã thấp, xuống thấp hơn nữa bởi họ không cần thêm tiền mặt.