Tiền kỹ thuật số khó "cản" các biện pháp trừng phạt của Mỹ
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo khẳng định đồng USD sẽ tiếp tục là đồng tiền thống trị thế giới, dù mối quan tâm đối với tiền kỹ thuật số ngày càng tăng.
Khẳng định vị thế đồng bạc xanh
Trao đổi với CNBC, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo nhận định rằng, tài sản kỹ thuật số mang lại nhiều cơ hội theo nhiều cách cho nền kinh tế nhưng nó cũng có những thách thức đáng kể.
“Chúng tôi biết rằng tài sản kỹ thuật số có khả năng bị sử dụng vào mục đích rửa tiền và rất khó để phát hiện. Nhưng với việc hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới có thể giúp giải quyết rủi ro này, bằng cách kêu gọi những người tạo ra tài sản kỹ thuật số tuân thủ chặt chẽ hơn các quy tắc về chống rửa tiền”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.
Ông cũng cho biết, yếu tố quyết định vị thế đồng bạc xanh phụ thuộc vào các chính sách của chính quyền Mỹ về đầu vào nền kinh tế. “Lý do mọi người quan tâm đến nền kinh tế dựa trên đồng USD là bởi họ muốn đầu tư vào Mỹ”, Adeyemo nói.
Một trong những quyết sách quan trọng mà ông đề cập đến bao gồm gói đầu tư cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD, mới được ký thành luật đầu tuần này, điều này sẽ giúp khai thông tiềm năng của nền kinh tế Mỹ và tạo cơ hội đầu tư cho các chính phủ khác.
“Khi nền kinh tế của chúng ta phát triển, đó là cơ hội cho nền kinh tế toàn cầu phát triển và khi điều đó xảy ra, đồng đô la sẽ vẫn là đồng tiền thống trị trên thế giới,” ông khẳng định.
Quan điểm của ông lặp lại những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang St. Louis James Bullard vào đầu năm nay, người đã bác bỏ Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác là mối đe dọa nghiêm trọng đối với vị thế của đồng đô la có vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Không tác động tới chính sách trừng phạt
Theo Reuters, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết tuần trước rằng họ sẽ ra mắt một mẫu thử nghiệm của nền tảng Rúp kỹ thuật số vào đầu năm tới. Bà Nabiullina cho biết Nga sẽ trải qua một cuộc thử nghiệm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc ra mắt đồng tiền kỹ thuật số này.
Phát biểu với CNBC vào đầu tháng 6, Nabiullina cho biết bà kỳ vọng tiền tệ kỹ thuật số sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai của các hệ thống tài chính khi nền kinh tế chuyển dịch trực tuyến.
Nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang phát triển các loại tiền kỹ thuật số của mình (CBDC). Những người ủng hộ CBDC cho rằng, đồng tiền kỹ thuật số có thể thúc đẩy sự bao gồm tài chính và làm cho các giao dịch xuyên biên giới dễ dàng hơn.
Khi được hỏi liệu triển vọng về đồng Rúp kỹ thuật số có thể khiến các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ kém hiệu quả hơn hay không, Adeyemo trả lời: “Chúng tôi tin rằng ngay cả khi đồng Rúp kỹ thuật số hoặc các loại tiền kỹ thuật số khác có hiệu lực, vẫn sẽ có phạm vi để các lệnh trừng phạt của chúng tôi có tác động đến các nền kinh tế, đơn giản bởi vì nền kinh tế toàn cầu vẫn được kết nối với nhau”.
“Các công ty ở Nga vẫn kinh doanh ở mọi nơi trên khắp thế giới. Rất nhiều hoạt động kinh doanh đó được thực hiện bằng USD, nó được thực hiện với các tổ chức tài chính của Mỹ và đó là bởi vì nền kinh tế Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới”, ông nói.
Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì một số lý do trong những năm gần đây, từ nghi ngờ đầu độc các chính trị gia đối lập đến can thiệp bầu cử và tấn công mạng.
Nhận xét của Adeyemo bổ sung vào một báo cáo vào tháng 10 của Bộ Tài chính cho biết có thể có một số tác động trong các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với tiền kỹ thuật số. Ông đã nói với một ủy ban Thượng viện vào tháng trước: “Sự ra đời của tiền kỹ thuật số khiến các biện pháp trừng phạt khó có hiệu lực hơn”.