Tiến trình Brexit: Tiếp tục bế tắc

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Gần 3 năm sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và 17 ngày trước thời hạn ra khỏi khối, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục thất bại trong tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội Anh đối với thoả thuận Brexit giữa Anh và EU. Bế tắc này đẩy Anh đối mặt với khả năng Brexit mà không có thỏa thuận nào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thất bại lần hai

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3, Hạ viện Anh đã phủ quyết dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi. Đây là lần thứ hai Thủ tướng May thất bại trong việc thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit, với hy vọng bảo đảm tiến trình Anh rời EU không gây ra hỗn loạn hay xáo trộn ngoài mong muốn. Trước đó hai tháng, Hạ viện Anh cũng đã bác bỏ thoả thuận Brexit, với cách biệt giữa phiếu chống và phiếu thuận tới 230 phiếu.

Lý do chính nhiều nghị sĩ không ủng hộ thỏa thuận là vì lo ngại về điều khoản “kế hoạch chốt chặn cuối”, nhằm bảo đảm tránh việc dựng lên đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland (thuộc Anh) hậu Brexit, sẽ ràng buộc London trong liên minh thuế quan của EU vô thời hạn.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra một ngày sau khi London và Brussels đạt được thỏa thuận vào phút chót về những thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm giúp cải thiện thỏa thuận Brexit cũng như tuyên bố chính trị về Brexit theo hướng giải quyết những khúc mắc liên quan tới “kế hoạch chốt chặn cuối”. Tuy nhiên, nỗ lực của Anh và EU vẫn không đủ để thuyết phục các nhà lập pháp xứ sở sương mù ủng hộ dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi.

Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho hay, EU đã làm tất cả những gì có thể nhằm giúp thỏa thuận Brexit được thông qua. Theo nhà đàm phán của EU, bế tắc hiện nay chỉ có thể được giải quyết bởi nội bộ Anh và việc chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận giờ đây trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với EU. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng nhận định, Anh đang tiến gần hơn đến việc ra khỏi EU mà không có thỏa thuận và cả hai bên nên tập trung vào việc xác định mối quan hệ tương lai sau Brexit.

Không nhiều lựa chọn

Việc Quốc hội Anh một lần nữa phủ quyết dự thảo thỏa thuận khiến xứ sở sương mù đối mặt với không nhiều lựa chọn: Anh sẽ phải ra khỏi EU mà không thỏa thuận; trì hoãn thời điểm Brexit sau ngày 29/3 hoặc tiến hành cuộc bầu cử sớm hay thậm chí tổ chức lại cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit.

Phát biểu tại Hạ viện sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Theresa May cho biết, bà toàn tâm toàn ý hiện thực hóa kết quả trưng cầu dân ý về Brexit nhưng nhà lãnh đạo này cũng tâm huyết không kém khi tin rằng cách tốt nhất để làm điều đó là đưa Anh ra khỏi EU một cách có trật tự thông qua việc đạt được thỏa thuận với EU. Thủ tướng May cho hay, Quốc hội sẽ bỏ phiếu quyết định Anh có ra khỏi EU khi không có thỏa thuận vào ngày 29/3 hay không và nếu các nghị sĩ không ủng hộ kịch bản này thì Quốc hội sẽ tiếp tục bỏ phiếu đối với khả năng gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU.

Hãng tin Reuters cho hay, trước đó, một nhóm nhà lập pháp Anh gồm những nghị sĩ hoài nghi EU trong đảng Bảo Thủ đã đưa ra một số kế hoạch nhằm thăm dò khả năng Quốc hội chấp nhận để Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào với EU. Theo kế hoạch này, cơ quan lập pháp xứ sở sương mù sẽ xem xét khả năng trì hoãn Brexit và chuẩn bị các phương án giúp giảm thiểu hệ lụy mà việc Anh rời đi khi không có thỏa thuận gây ra. Nhóm nghị sĩ trên đã đề xuất lùi thời hạn Brexit đến ngày 22/5, để Chính phủ tìm kiếm thỏa thuận trì hoãn với EU trước cuối năm 2021.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng, việc thỏa thuận Brexit lại thất bại tại Quốc hội cho thấy Chính phủ phải chấp nhận rằng thỏa thuận và đề xuất mà Thủ tướng Theresa May đưa ra là bất khả thi. “Quốc hội sẽ không ủng hộ kịch bản Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận. Vì vậy đã đến thời điểm cho cuộc tổng tuyển cử và người dân có thể lựa chọn chính phủ của chính mình”, ông Corbyn nói.

Hầu hết giới chuyên gia nhận định, việc gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU có thể là kết quả nhiều khả năng nhất, trong bối cảnh nhiều nghị sĩ khẳng định sẽ phản đối Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, để gia hạn thời điểm Anh ra khỏi EU cũng vẫn cần sự chấp nhận của lãnh đạo các nước trong Liên minh châu Âu. Dự kiến, EU sẽ tiến hành Hội nghị thượng đỉnh tại Brussel, Bỉ vào tuần tới, với khả năng xem xét yêu cầu gia hạn Brexit của Anh.

Alex de Ruyter, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Brexit của Đại học Birmingham tại Anh cho rằng, không có bảo đảm chắc chắn rằng EU sẽ ủng hộ việc gia hạn Brexit. Ngày 12/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, bất cứ yêu cầu nào từ Chính phủ Anh về trì hoãn việc ra khỏi EU cần phải nhận được những giải thích hợp lý và đáng tin cậy. 

Mặc dù vậy, ngay cả khi yêu cầu gia hạn của Anh được chấp nhận, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra về việc Chính phủ Anh sẽ phải làm gì trong thời gian gia hạn này để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, bà May hiện không có thêm đối thoại với các đối tác châu Âu sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Trong khi đó, EU cũng bác bỏ việc tiếp tục đàm phán với Anh về các điều khoản trong thỏa thuận Brexit.