Tiền Trung Quốc đang ồ ạt đổ vào Đông Nam Á
Nhìn từ góc độ của Đông Nam Á, đầu tư trực tiếp nước ngoài rất quan trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và Trung Quốc nhiều khả năng là nguồn chính cho tiền đầu tư.
Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng sáp nhập và thâu tóm sôi động chưa từng có, và doanh nghiệp Trung Quốc đứng đằng sau phần lớn các thương vụ.
Theo số liệu của Mergermarket, giá trị các vụ M&A trong khu vực châu Á trong năm ngoái đạt mức 89,1 tỷ USD, con số này cao nhất tính từ khi tổ chức Mergermarket bắt đầu thu thập số liệu từ năm 2001.
Số lượng các thương vụ có giá trị từ 5 triệu USD trở lên đạt 431 vụ, tăng 54% so với năm 2016.
Được khuyến khích bởi Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, thông qua chương trình “Một vành đai, một con đường”, các công ty Trung Quốc luôn sẵn sàng thâu tóm các doanh nghiệp châu Á.
Tổng giá trị các thương vụ thực hiện bởi các doanh nghiệp Trung Quốc ước tính khoảng 33,8 tỷ USD trong năm ngoái, tăng gấp 4 lần so với năm 2016. Giá trị trên tương đương khoảng hơn 60% giá trị các vụ thâu tóm trong khu vực được thực hiện bởi đối tác ngoại.
Gần 70% các khoản đầu tư của Trung Quốc nhắm đến mảng vận tải và giao thông.
Tháng 7/2017, nhóm 5 công ty Trung Quốc trong đó có công ty đầu tư thuộc ngân hàng Bank of China, đã vượt qua nhiều công ty khác để thâu tóm được công ty vận tải GLP.
Giá trị của thương vụ ước tính khoảng 16 tỷ đô la Singapore, tương đương 11,9 tỷ USD ở tỷ giá hiện tại. Đây là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc trong năm ngoái.
Tháng 10/2017, tập đoàn HNA của Trung Quốc mua hơn 90% cổ phần của công ty vận tải CWT ở Singapore.
Những doanh nghiệp Trung Quốc muốn phát triển mạnh mảng vận tải ở một khu vực mà người tiêu dùng đang nhanh chóng chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Trong lĩnh vực giao thông, tập đoàn Citic của Trung Quốc vào tháng 10/2017 đã mua 70% cổ phần tại cảng chiến lược Kyaukpyu ở bang Rakhine phía Tây Myanmar.
Chính phủ Trung Quốc muốn chặn bớt dòng vốn ra bên ngoài, thế nhưng cho đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy đầu tư vào châu Á sẽ chậm lại.
Nhìn từ góc độ của Đông Nam Á, đầu tư trực tiếp rất quan trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và Trung Quốc nhiều khả năng là nguồn chính cho tiền đầu tư.