Mỹ - Trung nhất trí đẩy lùi chiến tranh thương mại
Thành công của vòng đàm phán thứ 2 mới đây được cho là sẽ giúp tạm đẩy lùi nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thành công bước đầu
Sau hai ngày (17-18/5/2018) đàm phán cam go trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 2 về thương mại Mỹ - Trung vừa kết thúc ở Washington, hai bên đã thông qua tuyên bố chung, trong đó nêu rõ đã đạt được sự đồng thuận về tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc.
"Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng gia tăng của người dân Trung Quốc và nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng mạnh sức mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Mỹ", CNN trích dẫn tuyên bố chung hôm 19/5, đồng thời tiết lộ thêm rằng, hai nước đặc biệt chú ý đến các sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp và năng lượng của Mỹ.
Chính phủ Mỹ cũng cho biết sẽ cử một phái đoàn sang Trung Quốc để vạch ra những nội dung chi tiết của việc tăng cường hợp tác thương mại. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của Mỹ và Trung Quốc nhằm tránh nguy cơ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuyên bố chung của Mỹ - Trung Quốc không đề cập đến ZTE, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vốn là tâm điểm của tranh cãi thương mại giữa 2 nước sau khi nhận lệnh cấm hoạt động của Mỹ. Washington cáo buộc ZTE nói dối về việc trừng phạt những nhân viên vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên và Iran.
Tuy nhiên, trong một động thái gây bất ngờ vào Chủ nhật tuần trước, Tổng thống Trump chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng ông đã làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc hỗ trợ ZTE quay lại hoạt động bình thường.
Trước khi đạt được thỏa thuận chung, Mỹ và Trung Quốc từng đe dọa áp đặt các mức thuế quan trị giá hàng chục tỷ USD lên các sản phẩm xuất khẩu của nhau, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào ngày 17/5, một số quan chức Mỹ giấu tên khẳng định với CNN rằng, Bắc Kinh đã nhượng bộ và đề xuất các biện pháp cắt giảm thâm hụt thương mại 200 tỷ USD với Mỹ. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo diễn ra một ngày sau đó ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã bác thông tin này.
Scott Kennedy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bình luận trên CNN rằng, tuyên bố chung còn "quá mơ hồ để tạo ra ràng buộc".
"Không bên nào cam kết bất kỳ hành động cụ thể về mở rộng thương mại và đầu tư, kiềm chế chính sách công nghiệp hay không chấp nhận hình phạt", ông Kenedy nhấn mạnh.
Điều quan trọng, theo Kennedy, là liệu Mỹ có quyết định giảm thuế quan liên quan đến việc điều tra sở hữu trí tuệ hay không? "Nếu có, Trung Quốc sẽ gặt hái chiến thắng lớn… Còn nếu không, thì ít nhất Mỹ cũng có một thời gian hòa hoãn với Trung Quốc", chuyên gia này nhận định.
Vẫn tồn tại những nguy cơ
Một số nhà phân tích cho biết, Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc giảm con số thâm hụt đi 200 tỷ USD trong 2 năm tới. Bộ Thương mại Mỹ thậm chí còn cho biết đã lập một danh sách chi tiết yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại theo từng sản phẩm và số lượng.
Thế nhưng, nghịch lý là những thứ mà Mỹ muốn bán cho Trung Quốc chỉ đem lại nguồn thu không đáng kể so với con số 200 tỷ USD, trong khi những sản phẩm công nghệ đắt tiền mà Trung Quốc muốn mua thì Mỹ lại không muốn bán.
Trước hết là về những hàng hóa mà Mỹ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, con số bổ sung 200 tỷ USD vượt ngoài khả năng của Bắc Kinh. Theo ước tính, ngay cả khi Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm nước ngoài khác, như máy bay Airbus của Liên minh châu Âu hay đậu tương của Brazil, mà chỉ mua sản phẩm Mỹ, thì điều này cũng chỉ có thể giúp giảm thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc khoảng 50-60 tỷ USD.
Bản thân Mỹ cũng khó có thể sản xuất thêm đủ số lượng hàng hóa mới để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu thêm 200 tỷ USD mỗi năm sang Trung Quốc, nhất là về ngắn hạn. Đơn cử như, Mỹ đang hối thúc Bắc Kinh tăng mạnh việc mua máy bay Boeing, hiện có giá 250-300 triệu USD/chiếc. Mặc dù vậy, xuất khẩu máy bay cũng chỉ đem lại 16,3 tỷ USD cho Washington trong năm ngoái, chưa kể Boeing vẫn còn các đơn đặt hàng với tổng cộng 5.800 máy bay – con số mà phải 7 năm nữa hãng này mới trả hết được.
Mỹ cũng muốn tăng mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhưng cho tới nay, nền kinh tế hàng đầu thế giới mới chỉ có 2 cơ sở xuất khẩu LNG hoạt động, và dự kiến tới năm 2020 có thêm 4 cơ sở nữa. Với mức giá hiện nay, toàn bộ số khí đốt phục vụ xuất khẩu đạt giá trị khoảng 20 tỷ USD. Song Trung Quốc sẽ chỉ có thể nhập một phần sản lượng này, vì các công ty Mỹ không muốn quá phụ thuộc vào việc bán hàng cho một quốc gia. Như hãng Boeing cũng chỉ bán khoảng 1/4 số máy bay của hãng cho Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc. Hàng bán dẫn là một ví dụ. Do bị kiểm soát nên xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chip của Mỹ sang Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 6,1 tỷ USD, trong khi Mỹ xuất khẩu tổng cộng 47,7 tỷ USD hàng bán dẫn và hầu hết xuất sang các quốc gia châu Á.
Tại những nước này, hàng bán dẫn của Mỹ được thử nghiệm và lắp ráp trong nhiều linh kiện khác nhau và thường được chuyển sang Trung Quốc để lắp vào máy tính và thiết bị viễn thông.
Nói cách khác, các con chip của Mỹ được sử dụng tại Trung Quốc nhưng không được tính vào con số thống kê mậu dịch. Bắc Kinh đang yêu cầu Mỹ tăng cường xuất khẩu trực tiếp chip máy tính sang Trung Quốc. Song điều này đồng nghĩa với việc chuyển hoạt động lắp ráp và thử nghiệm trung gian sang Trung Quốc, và vô hình trung lại thúc đẩy ngành bán dẫn của Trung Quốc - điều mà Mỹ không mong muốn.
Hơn nữa, mặc dù Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều công nghệ thương mại và quân sự, nhưng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách này với tốc độ khiến Washington nghi ngại.
Theo chiến lược "Made in China 2025", Bắc Kinh dành những nguồn lực kinh tế khổng lồ cho đổi mới, điều này khiến chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt lo lắng vì mục tiêu của chiến lược là vượt Mỹ trong những công nghệ tối tân như robot và trí tuệ nhân tạo.
Những nguyên nhân khách quan và chủ quan từ cả hai phía khiến sự mất cân đối mậu dịch giữa hai nước khó có thể được giải quyết, nên tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn dai dẳng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là khó xảy ra. Bởi tới nay, Tổng thống Donald Trump dù vẫn tỏ ra cứng rắn trong vấn đề thương mại và thực hiện lời hứa tranh cử là đạt được một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ, song nước này cũng lo ngại hành động trả đũa của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới các bang nông nghiệp vốn ủng hộ đảng Cộng hòa, hay ảnh hưởng tới nền kinh tế trước cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11 tới.
Trong khi đó, Trung Quốc dù tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích của nước này và sẽ không đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào xâm phạm tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, song cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cuộc tham vấn thương mại.