Tiền vẫn "đổ" mạnh vào bất động sản, chứng khoán
Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) thời gian tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra đánh giá: Nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi tốt hơn trong năm 2022-2023.
Đặc biệt, ông Lực cho hay, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng đổ vào BĐS khá dồi dào. Tính đến hết quý III/2021, vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020.
Tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản. Vốn tư nhân và vốn FDI cũng đổ mạnh vào thị trường này, khi hết tháng 11, tổng vốn ngoại đăng ký mới đã đạt khoảng 2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong nhóm các lĩnh vực.
Song song đó, dòng vốn trong dân đổ về thị trường BĐS cũng rất nhiều. Dòng vốn vào BĐS vẫn đã và đang trên đà tăng lên, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng mạnh. Kỳ vọng sắp tới thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng phát triển, thị trường BĐS cũng sẽ được hưởng cú hích từ việc này.
Ông Lực nhận định: “Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn.
Hiện nay nguồn vốn đổ vào ngành BĐS và chứng khoán dẫn đầu các ngành hồi phục sau đại dịch. Nhìn chung, BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn trong trung và dài hạn”.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn nhìn góc độ khác cho biết, lượng đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đến từ người miền Bắc khá nhiều; Tuy nhiên do yếu tố dịch bệnh và sự thận trọng vốn có nên người miền Bắc có xu hướng rút lại khoản đầu tư tương đối và dòng tiền lớn đang quẩn ngoài thị trường miền Bắc, thị trường Hà Nội khá lâu.
“Điều này cho thấy vì sao mặt bằng giá ở Hà Nội vốn đi ngang trong vòng 5 năm trước hiện đang tăng mạnh ở các mặt bằng liên quan đến nhà đất thổ cư, chung cư.
Chung cư sau dịch ở Hà Nội cũng có xu hướng tăng nhẹ từ 5-10%. Chính vì dòng tiền đang quẩn ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc rất lớn nên tạo ra xu hướng giá tăng khá mạnh giai đoạn quý I/2021, đi kèm các thông tin quy hoạch đưa ra nhiều ở giai đoạn đầu năm đã "đẩy" mặt bằng giá lên rất cao.
Chính vì thế, năm 2021 đầu năm tăng giá một cách tràn lan, tuy nhiên sang năm 2022 tôi nghĩ sẽ mang tính chất trọng điểm và phù hợp với khu vực nào có công trình ra và hỗ trợ cho kinh tế địa phương phát triển bền vững”, ông Quốc Anh đánh giá.
Ông Quốc Anh đưa ra quan điểm liên quan đến dòng tiền đầu tư: “Dòng tiền lớn trong ngắn hạn sẽ ở ngoài Bắc nhưng dài hạn vẫn sẽ quay trở lại khu vực phía Nam vì khu vực phía Nam có nhiều tiềm năng kinh tế phát triển tốt, cơ sở hạ tầng tốt... sẽ hút các nhà đầu tư quay trở lại và giúp mặt bằng giá tăng trưởng bền vững”.