Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2019):

Tiếp bước với niềm tin và sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám

Theo Nguyễn Văn Thanh/xaydungdang.org.vn

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng cho sự chuẩn bị lâu dài, kiên trì, chu đáo của Đảng và nhân dân ta. Công cuộc chuẩn bị đó không chỉ diễn ra trong thời kỳ 1939 - 1945 mà là quá trình chuẩn bị suốt 15 năm kể từ khi Đảng ra đời, nhờ đó đã đưa đến sự thắng lợi mau lẹ của Cách mạng Tháng Tám.

Phát lệnh Tổng khởi nghĩa năm 1945. Ảnh: Tư liệu
Phát lệnh Tổng khởi nghĩa năm 1945. Ảnh: Tư liệu

 Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chấm dứt gần 100 năm nước ta dưới sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và xoá bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước tự do, độc lập. Thực tế thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng đã chứng minh rằng: "Cách mạng không tự nó đến, phải chuẩn bị nó, giành lấy nó".

Bước ngoặt lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong  thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân” (1). Tư tưởng ấy của Người đã được hiện thực hóa sinh động trong sự nghiệp giành độc lập tự do và xây dựng đất nước. Từ năm 1941, sau 30 năm xa Tổ quốc trở về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Việt Minh do Người sáng lập là hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ lịch sử của đất nước, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào chống đế quốc và phong kiến của hai nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương là Lào và Căm –pu –chia; góp  phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngay tại chính quốc, Pháp đã bị phát-xít Đức xâm lược và phải lập chính phủ bù nhìn tay sai cho Đức. Ở Đông Dương, Pháp phải từng bước đầu hàng phát-xít Nhật, cuối cùng bị Nhật truất quyền thống trị. “Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa” (2).

Cách mạng Tháng Tám để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm lịch sử quan trọng. Những bài học đó đã được Đảng tiếp tục kế thừa và phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Đó là bài học giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xác định rõ mục tiêu chiến lược lâu dài, nhiệm vụ trọng yếu trong từng thời kỳ cách mạng; bài học phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là công - nông - trí thức; bài học về nhận rõ đối tượng cách mạng, phân loại lực lượng đối địch, thực hiện triệt để phương châm “thêm bạn bớt thù”; bài học nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật tạo thời cơ; bài học về xây dựng một đảng Mác - Lênin chân chính, trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì lợi ích của nhân dân và dân tộc. Để rồi, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Tiếp bước vinh quang

Tiếp nối truyền thống yêu nước nồng nàn, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền văn hóa mới tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đất nước vừa qua chính là thành quả của ý chí Cách mạng Tháng Tám, của sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; của nghệ thuật chớp lấy thời cơ, vững vàng vượt qua thách thức, sáng tạo trong hoạch định và thực hiện đường lối chính sách phù hợp với nhân dân; và chính nhờ đó, đã và đang tạo ra những phong trào cách mạng có sức mạnh dời non, lấp biển.

Thành công của gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 với những thành tích rất đáng tự hào, đó là: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị được đẩy mạnh; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt nhiều kết quả rõ rệt; mối quan hệ gắn bó mật thiết và lòng tin của nhân dân đối với Đảng không ngừng được củng cố, nâng cao. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó đã góp phần quan trọng tạo nên cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước ta như ngày nay.

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta vui mừng trước những kết quả mà đất nước đã đạt được, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, bức tranh kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc, nổi bật là tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm gần đây 2016-2018 cả nước đạt 6,57% (riêng năm 2018 là 7,08%, mức cao nhất trong một thập kỷ qua). Kết quả đó một lần nữa khẳng định toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đồng tâm hiệp lực, kiên trì, bền bỉ đi tiếp chặng đường vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, mãi mãi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới, bởi đây là con đường duy nhất đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tiếp nối con đường Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, tất cả chúng ta hôm nay cần ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và quyết tâm giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, tình hình chính trị, an ninh quốc tế đang diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường... đang là những thách thức rất lớn đối với nước ta. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết chống phá Đảng, Nhà nước với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm hơn, nhất là trên lĩnh vực chính trị tư tưởng. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nhận biết thật rõ và đánh giá đúng tình hình, đâu là khó khăn, thách thức, đâu là thuận lợi, thời cơ; nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ lịch sử đau thương, bi tráng và cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam, chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn những thành quả đã giành được với biết bao hy sinh, mất mát to lớn. Chính vì vậy, đối với mỗi người Việt Nam chúng ta, với những hành động thiết thực: quyết đồng tâm nhất trí, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khát vọng hòa bình, quyết tâm không gì lay chuyển của toàn Đảng và toàn dân ta, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp bước con đường cách mạng vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và dân tộc ta đã lựa chọn.

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xin nguyện đồng lòng, quyết tâm thực hiện điều mong muốn cuối cùng trong Di chúc của Người “phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (3).

-----------

(1)   -Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, tr 453, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011.

(2)   -Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, tr 400, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011.

(3)   –Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 60.