Tiếp sức cho những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo
(Tài chính) Thời gian soạn thảo vỏn vẹn trong bốn chục ngày và dự kiến được Chính phủ ban hành trong ít ngày tới, Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (với những hỗ trợ lớn chưa từng có) sẽ tiếp sức kịp thời để ngư dân vươn khơi bám biển, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền.
Theo lời Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gấp rút soạn thảo, xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương ven biển và ngư dân chỉ trong 40 ngày. Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 ngày 29/5, Chính phủ cũng đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị định này và dự kiến sẽ ban hành trong ít ngày tới.
Cho vay đến 90% giá trị con tàu
Trong số gần 118 nghìn tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản trên cả nước, có tới 99% đóng từ vật liệu gỗ. Tỷ lệ thất thoát thủy sản sau thu hoạch của tàu gỗ rất cao, từ 20 - 30%, trang thiết bị thô sơ, lạc hậu. Tàu vỏ thép hiện đại và an toàn hơn, khai thác xa bờ hiệu quả hơn, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất thấp. Tuy nhiên, vốn đầu tư tàu vỏ thép là quá sức của ngư dân. Một tàu vỏ thép, công suất máy xấp xỉ 900CV giá thành khoảng 6,5 tỷ đồng, ngư dân ham mấy cũng không kham nổi. Với chính sách mới, ngư dân có thể được vay tới 5,85 tỷ đồng, góp vốn 650 triệu đồng còn lại và trả lãi chừng 15 triệu đồng/tháng. Giấc mơ làm chủ một con tàu thép nhờ đó không còn là điều xa vời. Hơn thế, theo Dự thảo Nghị định, ngư dân sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần là thành viên của các tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.
Ngoài ra, ngư dân còn được vay vốn lưu động để hoạt động, bao gồm cả tàu khai thác và tàu làm dịch vụ. Cụ thể, các tàu khai thác sẽ được vay vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm; tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ được vay tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Tổ chức, cá nhân làm dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản có hợp đồng tiêu thụ tối thiểu 1 năm được vay tối thiểu 60% giá trị hợp đồng cung cấp, với lãi suất thấp nhất trong lãi suất cho vay ngắn hạn.
Về đầu tư, ngoài việc dành ngân sách trung ương đầu tư 100% xây dựng hạ tầng của cảng cá loại I, tàu dịch vụ hậu cần, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn nhằm hoàn thành dứt điểm các dự án đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Nhà nước cũng bảo đảm ngân sách thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại thủy sản hàng năm với mức tương ứng 0,1% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của năm trước liền kề.
Nhiều chính sách nhân văn
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro trên biển. Theo đó, ngư dân chết, mất tích khi khai thác trên biển được hỗ trợ tối thiểu 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; cấp 15kg gạo/tháng/người trong 3 tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, người thân (vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà) trên 60 tuổi sống phụ thuộc. Tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu nạn người, tàu, thuyền bị rủi ro trên biển được hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu. Trường hợp vận chuyển cấp cứu người từ biển vào đất liền; bảo quản xác nạn nhân; thông tin tìm kiếm người mất tích trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 30 ngày sẽ được hỗ trợ 100% chi phí. Thêm vào đó, Chính phủ đã tính tới việc miễn học phí cho học viên, sinh viên chuyên ngành khai thác thủy sản; hỗ trợ 100% học phí học nghề khai thác hải sản...
Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu cho rằng, đây là những chính sách hết sức nhân văn, bởi chúng ta đã hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của người ngư dân. Khi có sự đồng cảm như vậy, chắc chắn ngư dân sẽ rất an tâm bám biển.
Triển khai quyết liệt
Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông lúc này, tất cả người dân Việt Nam một lần nữa thấy rằng: sự có mặt của ngư dân thường xuyên trên vùng biển của Tổ quốc cũng là cách chúng ta khẳng định chủ quyền quốc gia. Ngư dân có thừa tinh thần chiến đấu và tinh thần bám biển nhưng họ rất nghèo và thiếu thốn. Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ họ bám biển nhưng chưa đi vào cuộc sống. Vì thế, không riêng ngư dân mà người dân cả nước đều đang mong Chính phủ sớm ban hành Nghị định này và chỉ đạo triển khai nhanh, quyết liệt để các chính sách hỗ trợ sớm đến với ngư dân - những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sự hiện diện dân sự thường xuyên của ngư dân trên các vùng biển không phải là một giải pháp trước mắt trong phát triển và bảo vệ biển, đảo của đất nước mà nó mang tầm chiến lược. Đây là bài toán tương kế tựu kế, đạt nhiều mục tiêu và nhất định phải có bàn tay Nhà nước. Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Chu Hồi nói rằng, thời điểm này cần có chính sách tam ngư để giải quyết đồng bộ ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường; đồng thời có những điều chỉnh phù hợp đối với Chiến lược biển đến năm 2020.