Tiếp thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội cùng hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính những trợ lực này đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, giúp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Theo số liệu từ Agribank, lũy kế đến tháng 6/2022, số dư nợ tại Agribank bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là gần 260 nghìn tỷ đồng. Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 45 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 171 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.625 khách hàng với dư nợ 12.806 tỷ đồng; cho vay mới với doanh số gần 500 nghìn tỷ đồng, dư nợ 146.467 tỷ đồng, với 241.486 khách hàng còn dư nợ.
Bệ đỡ kinh tế hộ phát triển
Mô hình trang trại của ông Đỗ Xuân Nhung (thôn Kim Chung, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) được biết đến như nơi khởi đầu cho phong trào trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn, tiếp đó là áp dụng mô hình chuồng trại khép kín và đưa tiêu chuẩn VietGAP vào vườn bưởi để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông Nhung nhớ lại: Với hơn 11 ha đồi trọc hoang hóa, đất đai cằn cỗi ban đầu, năm 2001, ông đã mạnh dạn đấu thầu để đào ao thả cá, trồng cây, xây chuồng nuôi lợn. Kinh nghiệm chưa có, nên ông cũng gặp không ít thất bại trên con đường làm kinh tế. “Nhưng rất may trong suốt hành trình 20 năm này, tôi luôn được các cán bộ tín dụng của Agribank chi nhánh huyện Thạch Thất đồng hành, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, cho nên đã từng bước vượt qua khó khăn và hoạt động vững vàng như ngày hôm nay”, ông Nhung chia sẻ.
Đến nay, mô hình trang trại theo tiêu chuẩn VietGap của ông Đỗ Xuân Nhung đã phát triển với gần chục ha cây ăn quả như bưởi, thanh long, nhãn,… và chuỗi chuồng trại chăn nuôi khép kín với hơn 100 con lợn nái cho thành phẩm mỗi năm khoảng 200 tấn thịt lợn. Giai đoạn trước dịch COVID-19, trang trại của ông Nhung mang lại tổng doanh thu hằng năm khoảng 12 đến 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động.
“Hai năm dịch bệnh, cũng như tình hình chung của cả nước, trang trại của tôi gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm rất lớn. Trước tình hình như vậy, Agribank cũng đã chủ động giảm lãi suất các khoản vay cũ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi, giúp tôi giảm được chi phí, từng bước vượt qua khó khăn và đang hồi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh để phục vụ cho dịp cuối năm đang đến gần”, ông Nhung chia sẻ thêm.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Quan (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) Cấn Văn Chung, hiện nay địa phương đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông nghiệp sang phát triển ngành nghề. Hiện nghề mộc và kinh tế trang trại đang là lĩnh vực chủ yếu.
“Nắm bắt đặc thù kinh tế địa phương, thời gian qua, Agribank chi nhánh huyện Thạch Thất đã luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể để tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với nguồn vốn, giúp phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, tổng dư nợ của xã Kim Quan là 162 tỷ đồng, tương đương 152 hộ được vay vốn”, ông Chung cho biết.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống Agribank bằng nguồn lực của mình, thông qua tiết giảm chi phí hoạt động, điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch lợi nhuận đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Sự hỗ trợ kịp thời này được xem như thêm một “liều thuốc” quý giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi.
Bà Đặng Thị Dung - Phó Giám đốc Công ty sản xuất thủ công mỹ nghệ Chiến Thắng (xã Hợp Đồng, Huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cho biết, nguồn vốn ưu đãi từ Agribank chi nhánh huyện Chương Mỹ chính là “cứu cánh” trong lúc khó khăn đối với xưởng sản xuất của gia đình. Trong suốt quá trình hoạt động từ năm 2015, công ty luôn được ngân hàng đồng hành, hỗ trợ. Với số vốn vay ban đầu là một tỷ đồng, đến nay ngân hàng đã cấp hạn mức cho Công ty là năm tỷ đồng/năm, giúp công ty yên tâm tiếp tục sản xuất, chuẩn bị đơn hàng để kịp xuất khẩu trong thời điểm từ nay đến cuối năm.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) Đặng Thị Hoài Phương cũng chia sẻ, với số vốn vay ban đầu là khoảng hai tỷ đồng, đến nay dư nợ của công ty tại Agribank đã lên tới 15 tỷ đồng. Doanh thu tính đến tháng 9/2022 của công ty là 98 tỷ đồng.
“Trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp luôn nhận được sự hỗ trợ của ngân hàng. Đơn cử như hai năm trải qua dịch bệnh, công ty đã được ngân hàng chủ động điều chỉnh giảm 10% lãi suất tất cả các khoản vay cũ so với mức lãi suất đang áp dụng. Với lượng hàng tiêu thụ hơn 100 nghìn thành phẩm/ngày, từ nay đến cuối năm, công ty dự tính đầu tư thêm thành phẩm trứng gà thảo dược, vì vậy, rất cần ngân hàng đầu tư thêm hạn mức để có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh”, bà Phương đề xuất.
Theo ông Nguyễn Đăng Kỳ - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chương Mỹ Hà Nội I, ngay từ đầu năm, Agribank đã tuyên truyền rộng rãi các sản phẩm dịch vụ qua các kênh thông tin đại chúng; thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng tại quầy giao dịch; nâng cao chất lượng phục vụ tạo niềm tin và hình ảnh tốt với khách hàng. Đến 30/9, tổng nguồn vốn huy động đạt 4.123 tỷ đồng, tăng 357 tỷ đồng so đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 9,5%. Tổng dư nợ cho vay đạt 818,07 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 666 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81,41% tổng dư nợ. Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Long - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Thạch Thất Hà Nội I cũng cho biết, đến 30/9, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 1.831 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so đầu năm. Chi nhánh luôn bảo đảm tăng trưởng dư nợ đi đôi với bảo đảm an toàn chất lượng tín dụng.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh trên toàn hệ thống Agribank tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, thiệt hại bất khả kháng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi vay vốn cho khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời, luôn chủ động, thường xuyên rà soát để có các giải pháp phù hợp với từng đối tượng khách hàng trong mọi thời điểm.