Tiếp tục “nhân giống” hay bán lại thương hiệu?

Theo baodautu.vn

Kinh doanh nhượng quyền thương mại đang nở rộ tại Việt Nam với mức độ cạnh tranh khốc liệt. Điều này đặt doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào tình thế hoặc tiếp tục “nhân giống”, hoặc bán lại toàn bộ thương hiệu cho đối tác.

Tiếp tục “nhân giống” hay bán lại thương hiệu?
Để thành công DN cần chiến lược quản trị nhượng quyền bài bản có tầm nhìn. Nguồn: internet

Sau mấy năm lỡ hẹn, Tập đoàn cổ phần All Thailand (thuộc CP Group) đã được sự chấp thuận của Seven & I (Nhật Bản), công ty mẹ của 7 Eleven về giấy phép nhượng quyền thương mại để mở rộng hệ thống này tại các nước châu Á, như Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam được ưu tiên hàng đầu để thiết lập và mở rộng một cách nhanh nhất. Dự kiến, cuối năm nay, những cửa hàng 7 Eleven đầu tiên sẽ được mở cửa tại TP. Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo 7 Eleven cho biết, Công ty sẽ sử dụng hệ thống quản trị thông tin mới nhất để quản lý hiệu quả hệ thống chuỗi và nguồn cung ứng.

Hàng hóa và phong cách phục vụ hiện đại sẽ được ứng dụng để đáp ứng phân khúc khách hàng trẻ của Việt Nam.

Giống như tại Thái Lan, tại Việt Nam, Công ty 7 Eleven sẽ tập trung phát triển chủng loại hàng thực phẩm ăn liền, thực phẩm đông lạnh. Trong đó, ngành thực phẩm sẽ chiếm từ 50 đến 75% doanh số của từng cửa hàng. Đây là tỷ lệ lý tưởng để đảm bảo mức lãi gộp hấp dẫn, hỗ trợ cho chiến lược nhượng quyền thương mại.

Hiện số lượng cửa hàng nhượng quyền chiếm 58% toàn hệ thống tại Thái Lan, nhưng Công ty kỳ vọng tỷ lệ cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam sẽ cao hơn nhiều.

Cùng với thương hiệu bán lẻ này, hàng loạt những tên tuổi trong lĩnh vực nhượng quyền thức ăn nhanh, như Burger King, Starbucks… đều có mặt tại Việt Nam..

Các thương hiệu khác, như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut… cũng đẩy mạnh việc nhân rộng hệ thống và cũng chọn năm 2013 để bùng nổ theo phương thức nhượng quyền thương mại.

Bên cạnh các DN tham gia làm đối tác nhượng quyền cho những thương hiệu lớn này, thì Việt Nam đã có những DN sở hữu thương hiệu nhượng quyền của riêng mình, như Phở 24, Trung Nguyên, Wrap & Roll…

Từ khi ra đời đến nay, những thương hiệu này đã có được số lượng cửa hàng nhượng quyền đáng kể. Tuy nhiên, trong số này, có những tên tuổi lẫy lừng một thời nay lại phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa đến sự phát triển kinh doanh của mình.

Theo ông Lý Quý Trung, Giám đốc Tập đoàn Nam An, người khai sinh thương hiệu Phở 24, thì quyết định bán đứt thương hiệu này với giá 20 triệu USD có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do lỗ hổng quản trị hệ thống và Phở 24 gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu đồ ăn nhanh có tiếng, như KFC, Lotteria… ồ ạt đổ vào Việt Nam. Trong khi đó, để đầu tư nâng cấp hệ thống cửa hàng, đẩy mạnh quảng bá…, Công ty cần rất nhiều tiền, mà trong khủng hoảng thì tiền là cả vấn đề. Chính vì vậy, đến lúc này, nhiều ý kiến cho rằng, bán thương hiệu Phở 24 là quyết định hết sức khôn ngoan, kịp thời của ông chủ thương hiệu này. Bởi nếu để thêm thời gian nữa, khi chuỗi cửa hàng này thoái trào thì Phở 24 có thể phải bán với giá thấp hơn, hoặc thậm chí không thể bán được.

Qua câu chuyện của Phở 24, có thể thấy, kinh doanh nhượng quyền quả thực không hề đơn giản, có cơ hội lớn, nhưng rủi ro kèm theo cũng rất cao. Đó là lý do vì sao đến lúc này, con số các DN Việt thành công lại khiêm tốn như vậy. Bởi để thành công DN không chỉ cần chiến lược quản trị nhượng quyền bài bản, chặt chẽ, có chiến lược và có tầm nhìn. Bên cạnh đó, luôn cần phải có một hệ thống giám sát chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cho dù kinh tế vĩ mô vẫn còn đối mặt nhiều thử thách, nhưng lĩnh vực nhượng quyền thương mại vẫn có tương lai “màu hồng” tại Việt Nam. Đặc biệt, sẽ phát triển chóng mặt, khi năm 2014, nhiều cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ có hiệu lực, ngành bán lẻ buộc phải mở cửa thị trường và các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn tự do thâm nhập. Điều này đòi hỏi các CEO ở Việt Nam phải sớm vạch ra chiến lược là nên tiếp tục “nhân giống” hay bán lại toàn bộ thương hiệu cho đối tác?