Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá
Công tác quản lý, điều hành giá đã và đang được thực hiện nhất quán theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn. Trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu cần tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả công tác quản lý điều hành giá, góp phần vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bộ Tài chính cho biết, công tác quản lý, điều hành giá đã và đang được thực hiện nhất quán theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, quy luật cung – cầu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm. Đồng thời, thường xuyên cập nhật theo sát tình hình thực tế báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, đảm bảo theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra cả năm CPI bình quân trong khoảng 4-4,5%. Trong nửa đầu năm 2024 nhìn chung thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo quy luật hàng năm và phù hợp với kịch bản lạm phát của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã xây dựng từ đầu năm.
Tại Hội nghị giao ban tháng 9/2024 và triển khai chương trình công tác tháng 10/2024, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng, nhìn chung giá các mặt hàng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, mặt bằng giá vẫn trong kiểm soát. Một số mặt hàng có biến động nhẹ như: giá thịt lợn tăng nhẹ do vào đầu năm học nhu cầu các bếp ăn trường học tăng, giá một số loại rau xanh khu vực miền bắc xảy ra tình trạng tăng cục bộ do ảnh hưởng bão Yagi; nhóm nhiên liệu trong nước tiếp tục đà giảm trong nửa đầu tháng 9 theo diễn biến của giá nhiên liệu thế giới.
- Về giá mặt hàng xăng, dầu: Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng, dầu thế giới để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường. Nhìn chung, giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng trong 4 tháng đầu năm, sau đó có xu hướng giảm đến nửa đầu tháng 6 và giá tăng nhẹ trong giai đoạn đầu tháng 7, từ cuối tháng 7 cho tới nay, giá tiếp tục trở lại xu hướng giảm.
- Về khí hóa lỏng (LPG): Giá trên thị trường thế giới công bố trong tháng 9 là 600 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tháng 8/2024. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ LPG tăng so với tháng 08/2024 khoảng 7.000 đồng/bình 12 kg, phổ biến lên thành 423.000 đồng/bình 12kg. Nhìn chung, trong 9 đầu năm 2024, giá LPG thế giới có xu hướng tăng trong 3 tháng đầu năm, giảm trong 3 tháng tiếp theo, ổn định trong tháng 7 và tăng trở lại từ tháng 8.
- Về giá dịch vụ y tế: Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) theo mức lương cơ sở mới từ tháng 10/2024 đối với các cơ sở KBCB thuộc Bộ Y tế; và từ ngày 01/01/2025 đối với các cơ sở KBCB thuộc địa phương. Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế tham gia ý kiến về lộ trình giá dịch vụ KBCB theo đó đề nghị Bộ Y tế căn cứ quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh và văn bản hướng dẫn, tình hình kinh tế xã hội, bổ sung cập nhật đánh giá tác động đến chi ngân sách nhà nước, đến cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, khả năng chi trả của người dân, chỉ số giá tiêu dùng CPI và phân tích tính khả thi đối với dự kiến trong năm 2024 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh; trên cơ sở đó có đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
- Về giá dịch vụ giáo dục, đào tạo (học phí): Theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ, học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024 và các năm tiếp giữ ổn định. Học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2023-2024 thực hiện theo mức trần học phí mới. Đối với năm học 2024-2025, mức trần học phí khối giáo dục đại học tăng bình quân 14%, khối giáo dục nghề nghiệp tăng bình quân 6%. Tuy nhiên, mức học phí cụ thể do các cơ sở giáo dục quyết định trong phạm vi giá tối đa do Chính phủ quy định.
Trong tháng 10 và những tháng cuối năm, Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giá tiếp tục triển khai, phổ biến các văn bản hướng dẫn Luật giá số 16/2023/QH15; Triển khai xây dựng các văn bản theo Quyết định số 88/QĐ-BTC ngày 16/01/2024 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để báo cáo Bộ về phương án điều hành giá xăng dầu theo định kỳ; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng giao Cục Quản lý giá tiếp tục triển khai tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường, hàng tháng cập nhật kịch bản điều hành giá; Làm đầu mối triển khai nhiệm vụ giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá; theo dõi, đôn đốc thực hiện ý kiến kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.