Tìm giải pháp bảo đảm tăng trưởng GDP 5,8%
(Tài chính) Với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước, cho thấy nhiều cơ hội cho điều hành chính sách vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát song hành với tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, với kết quả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm mặc dù khá nỗ lực -nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, ở mức 5,18%. Để đạt được mục tiêu GDP 5,8% cả năm, đồng nghĩa với việc GDP 6 tháng cuối năm phải đạt tối thiểu 6,25%. Vì vậy cần tìm giải pháp để bảo đảm mức tăng trưởng này.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 6 đầu năm, giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng không nhiều cùng với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và nhất là việc thực hiện hiệu quả các chính sách về kiểm soát lạm phát, đã góp phần giữ ổn định giá tiêu dùng trong nước. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6.2014 tăng 0,3% so với tháng trước (tháng 4.2014 tăng 0,08%, tháng 5.2014 tăng 0,2%). Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục thống kê Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, tốc độ tăng giá tiêu dùng của các tháng ở mức tương đối đồng đều. Bình quân mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 0,23%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Tính toán cho thấy, khả năng kiểm soát lạm phát của cả năm 2014 ở mức dưới 7%, thậm chí chỉ khoảng 5% hoàn toàn khả thi, thể hiện rõ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng ở mức thấp một mặt cho thấy mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô của Việt Nam đã phát huy tác dụng; mặt khác, đây cũng là dấu hiệu về sức mua thấp của nền kinh tế.
Ở góc độ quản lý thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 6 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, sức mua chậm nên việc tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, nguyên liệu phục vụ hàng sản xuất chưa cao. Giá một số loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu có xu hướng giảm, điều này tốt cho người tiêu dùng nhưng cũng ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, những giải pháp được Bộ Công thương đặc biệt quan tâm trong 6 tháng cuối năm chính là tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cùng với những khó khăn của doanh nghiệp dù đã được cải thiện nhưng chưa nhiều, trong những tháng cuối năm, cần đặc biệt quan tâm đến việc kích thích tổng cầu tiêu dùng, trong đó có việc tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa. Để làm việc này thì đầu tiên cần tăng thu nhập có khả năng thanh toán. Thứ hai, duy trì mặt bằng giá ổn định, thậm chí thực hiện các biện pháp giảm giá nếu được để kích thích tiêu dùng thông qua việc giảm giá đồng thời với tăng thu nhập khả dụng. Thứ ba, tăng cường niềm tin cũng như tâm lý tiêu dùng, đây cũng là yếu tố quan trọng để mà kích thích tiêu dùng. Thứ tư, sự gắn kết trong hệ thống phân phối hỗ trợ tiêu dùng, rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà điều hành chính sách nên quan tâm đến những cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại công bố báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm. Trong đó, WB đưa ra lý do chính khiến mức tăng trưởng thấp hơn tiềm năng là do lực cầu trong nước yếu, niềm tin nhà đầu tư trong nước thấp. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi đẩy mạnh cải cách cơ cấu - tập trung vào tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, đồng thời xóa bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước. Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.