Tìm kiếm cách làm hay, sáng tạo để giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động thủy sản
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Đình Luân, rác thải nhựa đại dương là một vấn đề môi trường nóng của Việt Nam hiện nay, do đó ngành Thủy sản cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực trong quản lý, nhằm chung tay giảm các tác động của nhựa tới môi trường.
Tại “Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản năm 2024” do Cục Thủy sản tổ chức, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ở Việt Nam, ước tính lượng rác thải nhựa ra đại dương hằng năm là từ 0,28 - 0,73 triệu tấn. Chỉ số tiêu dùng nhựa bình quân trên đầu người ở Việt Nam tăng từ 3,8kg năm 1990 lên 54kg năm 2018.
Còn theo đại diện Chương trình biển và vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, hiện nay 25/34 bãi biển đang bị ô nhiễm nhựa. Số lượng và khối lượng rác thải nhựa trung bình tại các bãi biển khu vực phía Nam đều cao hơn đáng kể so với tại khu vực miền Trung và phía Bắc. Các bãi biển tại Phú Quốc, Nha Trang và Côn Đảo có số lượng và khối lượng rác thải nhựa cao nhất và thấp nhất là tại Cù Lao Chàm và Núi Chúa.
Đại diện Chương trình biển và vùng bờ của IUCN nêu rõ, tỷ lệ rác nhựa thủy sản có xu hướng giảm trong tổng rác thải nhựa trên bãi biển. Tuy nhiên, các loại rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản vẫn chiếm ưu thế trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển, chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng.
Nhận thức rõ đây là vấn nạn chung của Việt Nam cũng nhiều quốc gia trên thế giới, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản chia sẻ, trong bối cảnh tăng trưởng nhanh và phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong sản xuất, xuất khẩu và cung ứng hàng hóa nội địa, ngành Thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề môi trường, nhiều địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế đã rất tích cực trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản.
“Ngành Thủy sản cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực trong quản lý, nhằm chung tay giảm các tác động của nhựa tới môi trường”, Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là câu chuyện rất dài hơi. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng cá nhân. Cần tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, xã hội, đến thế hệ mai sau; từ đó nhận thức và tự thấy rằng, cần phải bảo vệ môi trường cho chính họ bằng cả trái tim. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu các giải pháp thay thế, chẳng hạn như các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Ngoài ra, nhân rộng những mô hình đã thực hiện tốt, cùng hướng đến mục tiêu giảm tối đa rác thải nhựa, chung tay bảo vệ đại dương xanh cho thế hệ mai sau.
Cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đang xây dựng mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa sinh hoạt trên tàu cá đưa vào bờ tại cảng cá Quy Nhơn. Tỉnh này cũng đa ban hành quyết định về quy trình kiểm soát, quản lý đối rác thải nhựa tàu cá. Theo đó, Bình Định trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản.
Nhiều kế hoạch, giải pháp cùng hành động, đại diện Cảng cá An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) cho hay, thời gian qua, Cảng cá thường xuyên tuyên truyền đến người dân tham gia hoạt động trong khu vực cảng bỏ rác đúng nơi quy định, cho rác vào thùng đảm bảo vệ sinh môi trường và vận động chủ tàu, thuyền trưởng tuyên truyền, hướng dẫn cho thuyền viên thu gom, phân loại rác trên tàu và mang rác về bờ sau mỗi chuyến ra khơi.