Nỗi lo ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa
Rác thải nhựa là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, sức khỏe và sự an toàn của con người…
Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, là vấn đề môi trường toàn cầu, được chính phủ các quốc gia, các tổ chức, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới quan tâm. Hiện nay, rác thải nhựa đã và đang phá hoại các hoạt động kinh tế - xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển, như du lịch, nghỉ dưỡng, nghề cá và giao thông, môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi cá biển, sức khỏe và sự an toàn của con người…
Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) về thực trạng rác thải nhựa đại dương, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương.
Theo Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu). Mỗi năm, lượng chất thải rắn thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính, có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy. Hiện tại, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.
Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, việc tăng cường quản lý chất thải nhựa nói chung và rác nhựa đại dương nói riêng là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo và Luật Bảo vệ môi trường.
Trong đó, Điều 73, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chi tiết về nội dung “Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”.
Cụ thể, không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương; Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý…
Bên cạnh đó, chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương...
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai các nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030...
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đồng ý chủ trương Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án và tiến hành đàm phán. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý và nội dung chủ trì đàm phán về cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải, trong đó có chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương; tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa; Quản lý, giảm thiểu, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương...
Đến nay, Việt Nam đã triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương…
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Rác thải nhựa đại dương không chỉ là vấn đề lớn, phức tạp ở quy mô, phạm vi mà cả về mặt tri thức, hiểu biết, cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là những tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này.
Trong bối cảnh đó, nhằm tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam, theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cần tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ môi trường. Thực hiện tổng kết, đánh giá chi tiết các kết quả đạt được về tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu xây dựng hồ sơ liên quan để Việt Nam tham gia thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020.
Cần đẩy mạnh ứng dụng các công cụ quản lý môi trường hiện đại, triển khai các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực chất thải, thử nghiệm tiến hành kiểm toán môi trường trong phát thải ô nhiễm nhựa từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, kiểm kê chất thải nhựa từ sông ra biển để có bức tranh tổng thể cho hoạch định các chính sách liên quan, thực thi các cam kết phát thải ròng bằng không (NetZero) của Việt Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về chất thải nhựa nói chung, ô nhiễm chất thải nhựa, đặc biệt là đánh giá vòng đời sản phẩm, nguy cơ ô nhiễm vi nhựa trong các thành phần môi trường, hàng hóa hướng đến triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với các sản phẩm, bao bì chứa làm từ nhựa, phòng chống ô nhiễm nhựa cả trên đất liền, trên sông và ra biển...