Tìm vốn dài hạn bằng trái phiếu
(Taichinh) - Masan gây chú ý trên thị trường tài chính khi tiến hành vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với đối tác là nhiều ngân hàng lớn.
Bên cạnh Masan, các doanh nghiệp khác cũng rục rịch lên kế hoạch phát hành lượng trái phiếu khủng để huy động vốn. Đây là hình thức được cho là mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp để giải tỏa cơn khát vốn trung và dài hạn, nhưng mặt khác cũng thể hiện một “góc khuất” khác trên thị trường tài chính.
Thông qua ngân hàng, công ty chứng khoán
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm bằng tài sản, lãi suất 7,5%/năm cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau (VietinBank). Với kết quả này, Minh Phú đã đi được hơn nửa kế hoạch phát hành trái phiếu trong số 2.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ phát hành trong năm 2015.
Lãnh đạo Minh Phú cho biết hiện nay vốn vay của công ty chủ yếu là vốn ngắn hạn, để cơ cấu lại nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn vốn thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động của tập đoàn.
Nổi bật nhất vẫn là trường hợp phát hành trái phiếu mới đây của CTCP Tập đoàn Masan. Đây được xem là thương vụ phát hành trái phiếu lớn nhất của một công ty tư nhân trên thị trường vốn Việt Nam từ trước đến nay.
Theo đó, Vietcombank đã mua 5.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong tổng số 9.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Masan Consumer Holdings (MCH), một công ty con của Masan. Ngoài Vietcombank, đối tác mua trái phiếu MCH đợt này còn có các ngân hàng lớn khác như VIBank, BIDV, MB… Theo một nguồn tin, lãi suất có thể vào khoảng 8-8,5% trong năm đầu tiên và bằng lãi suất huy động 12 tháng cộng 3% trong 4 năm sau đó.
Không riêng gì Masan, Minh Phú, thời gian qua nhiều doanh nghiệp lớn cũng lựa chọn phương án phát hành trái phiếu để tìm kiếm nguồn vốn dài hạn. Trong đó đối tác là NH khá phổ biến. Theo nguồn tin riêng của ĐTTC, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities) vừa thu xếp thành công trái phiếu cho Tập đoàn Vingroup với tổng khối lượng phát hành 2.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng và công ty chứng khoán. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Được biết trung bình mỗi năm Techcom Securities thu xếp cho các đối tác huy động hơn 20.000 tỷ đồng từ thị trường vốn.
Những tên tuổi như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Thủy sản Hùng Vương… được biết nhiều đến với các thương vụ phát hành trái phiếu lớn từ trước.
Còn gần đây, các doanh nghiệp bất động sản cũng tạo ra một làn sóng tìm kiếm vốn bằng kế hoạch phát hành trái phiếu như Tập đoàn Đất Xanh, Đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Tasco (HUT)…
Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh, phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được dòng tiền quy mô lớn lại tránh pha loãng cổ phiếu và lãi suất ổn định trong trung và dài hạn.
Lợi cả đôi bên
Việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu có thể chịu lãi suất cao hơn và chịu thêm chi phí tư vấn phát hành, tuy nhiên hình thức này lại có nhiều điểm lợi so với việc vay ngân hàng. Chẳng hạn như phát hành trái phiếu có thể không cần tài sản thế chấp, không chịu sự giám sát trực tiếp của ngân hàng.
Việc vay tín dụng thường giải ngân theo tiến độ dự án và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của NH. Chỉ ở những dự án có tính khả thi cao và doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt mới dễ dàng vay vốn. Trong khi đó, huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể nhận toàn bộ vốn vay một lần để thực hiện dự án hoặc tái cấu trúc các khoản nợ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn than vì lãi suất vay trung, dài hạn còn cao nên khó tiếp cận để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh phát hành cổ phiếu ảm đạm, vay NH khó khăn, phát hành trái phiếu có thể là phương án dễ chịu hơn. Ngoài ra, khác với việc vay nợ phải trả một phần nợ gốc ngay, đối với trái phiếu thường chỉ phải trả nợ gốc vào cuối kỳ.
Đối với ngân hàng, việc mua trái phiếu cũng mang lại nhiều lợi ích, có thể sử dụng nguồn tiền một cách linh hoạt do trái phiếu có thể dễ dàng mua bán trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào trái phiếu có thể mang lại lợi nhuận biên cao hơn, chi phí quản lý thấp hơn so với tín dụng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), Vietcombank vốn không tích cực trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, với mức nắm giữ chỉ 2.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2014. Tuy nhiên động thái mua số lượng lớn trái phiếu từ Masan Consumer Holdings cho thấy ngân hàng đang tích cực hơn trong đầu tư trái phiếu và mở rộng các khoản vay trung và dài hạn.
Đối với nền kinh tế, một thị trường trái phiếu phát triển sẽ giúp cho nguồn vốn lưu thông mạnh mẽ hơn, nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn hơn. Dù vậy các đánh giá cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ ở mức tương đối nhỏ.
Thống kê năm 2013, các doanh nghiệp Malaysia và Thái Lan huy động lần lượt 28 và 17 tỷ USD từ phát hành trái phiếu. Tại các nước kinh tế phát triển, kênh huy động trái phiếu chiếm tỷ lệ rất cao so với tín dụng.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính năm 2013 các doanh nghiệp Việt Nam chỉ huy động được 0,9 tỷ USD, còn năm 2014 là 1,2 tỷ USD từ trái phiếu. Sự phát triển chậm này có nguyên nhân từ các doanh nghiệp chưa xem kênh trái phiếu như là một kênh quan trọng để huy động vốn. Bên cạnh đó tình trạng kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp cũng chưa thật sự đủ minh bạch để có thể dễ dàng huy động vốn.
Mặt khác, trường hợp những tập đoàn doanh nghiệp lớn thông qua kênh phát hành trái phiếu vừa có thể huy động một số vốn lớn mà không vi phạm các quy định hiện hành về hạn mức cấp tín dụng của NH. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu cũng tồn tại góc khuất khác được các giới chuyên gia lưu ý.
Đó là thực tế đã có một số doanh nghiệp và ngân hàng “bắt tay” nhau để phát hành trái phiếu bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Các năm trở lại đây, lĩnh vực tài chính đã chứng kiến một số vụ án được phanh phui cho thấy có ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp “sân sau” và số tiền huy động được đầu tư vào các hoạt động rủi ro.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay để lách quy định về giới hạn cấp tín dụng hiện hành.