Thị trường trái phiếu: 5 thành công nổi bật

ThS. PHÙNG THỊ HIỀN

(Tài chính) Kết thúc năm 2014, thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh cả về quy mô lẫn chiều sâu, phát huy được vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và bù đắp sự thiếu hụt cho ngân sách nhà nước. Trên cơ sở phân tích tình hình thị trường trái phiếu năm qua và triển vọng trong năm 2015, bài viết đề xuất một số giải pháp định hướng phát triển thị trường này trong giai đoạn mới.

5 thành công nổi bật của năm 2014

Thứ nhất, huy động vốn đạt kết quả ấn tượng. Về khối lượng huy động, trong năm 2014, tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu gồm trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 285.744 tỷ đồng, bằng 7,27% GDP năm 2014. Trong đó, riêng khối lượng phát hành TPCP năm 2014 đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010. Khối lượng huy động trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh là 17.555 tỷ đồng, trái phiếu chính quyền địa phương là 7.400 tỷ đồng. Khối lượng huy động TPDN là 26.722 tỷ đồng. Kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

Đặc biệt, trong năm 2014, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với lợi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/ năm. Tổng trị giá đăng ký mua trái phiếu của Chính phủ từ 437 nhà đầu tư quốc tế là trên 10,6 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán. Sự thành công sau đợt phát hành là một tín hiệu tốt, không những thể hiện lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, mà còn đưa thị trường trái phiếu Việt Nam hướng dần về sự phát triển bền vững.

Thứ hai, giảm huy động TPCP ngắn hạn, tăng huy động TPCP dài hạn với lãi suất hợp lý, góp phần giảm áp lực trả nợ cho NSNN. Trong năm 2014, tận dụng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, mặt bằng lãi suất thấp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tăng cường phát hành TPCP các kỳ hạn dài. Từ tháng 10/2014, Bộ Tài chính đã hạn chế các loại TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn phát hành dưới 5 năm. Bởi vậy năm 2014, kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt 4,95 năm (tăng 1,74 năm so với năm 2013), trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành. Với trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do hai tổ chức tín dụng là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành, kỳ hạn bình quân đạt lần lượt là 3,36 năm và 3,70 năm (tăng lần lượt 0,53 năm và 0,71 năm so với năm 2013).

Thị trường trái phiếu: 5 thành công nổi bật - Ảnh 1

Thứ ba, mặt bằng lãi suất huy động TPCP giảm mạnh, giảm nghĩa vụ và áp lực trả nợ cho NSNN. So với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường trái phiếu (TTTP) tại thời điểm cuối năm 2014 đã giảm 1,30%-3,70% đối với các kỳ hạn, so với cuối năm 2013, phù hợp với điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN.

Lãi suất huy động thấp thể hiện không chỉ ở việc huy động TPCP tại thị trường vốn trong nước mà còn ở đợt phát hành TPCP trên thị trường vốn quốc tế. Cụ thể, với mức lãi suất cố định 4,8%/năm đối với 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính phát hành thành công tháng 11/2014, là mức thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay (lần lượt là 7,15% và 6,755%/năm đối với trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010).

Thứ tư, nền tảng công nghệ và vận hành thị trường đã đồng bộ và hiện đại hơn. Trên TTTP đã hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động huy động vốn trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Năm 2014, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 2 lần so với năm 2013, góp phần tăng thanh khoản cho TTTP. Thị trường này đã trở thành kênh huy động vốn có hiệu quả cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đã quan tâm lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2014, cũng là năm đánh dấu việc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới được thị trường đánh giá cao: kết nối hệ thống giao dịch TPCP với Hãng thông tin tài chính Bloomberg, triển khai đồng loạt Cổng thông tin giao dịch trực tuyến trên nền Internet (E.BTS) tới các thành viên, hoàn thành xây dựng Chỉ số trái phiếu (Bond-index).

Thứ năm, không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường. Trong năm 2014, các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TTTP đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện. Hệ thống văn bản pháp lý về cơ bản đã bao quát hầu hết các hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu, tạo ra nền tảng cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành trái phiếu.

Năm 2014, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ đạt 4,95 năm (tăng 1,74 năm so với năm 2013), trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành. So với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường trái phiếu năm 2014 giảm 1,30%-3,70%, phù hợp với điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN.

Sau khi các Thông tư hướng dẫn Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương được triển khai thực hiện từ năm 2012, trong năm 2014, Bộ Tài chính đã hoàn tất hai dự thảo Thông tư hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước và dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Điểm mới đáng chú ý trong hai văn bản này là hầu hết các quy định về mốc thời gian đều được quy định rõ ràng, cụ thể và rút ngắn hơn, thời gian từ ngày thanh toán đến ngày trái phiếu được giao dịch chỉ còn 3 ngày, thay vì 4 ngày như quy định hiện hành.

Ngày 26/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP, quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Văn bản này góp phần hạn chế rủi ro trên thị trường tài chính, tăng kênh giám sát với doanh nghiệp tham gia huy động vốn trên thị trường tài chính, đặc biệt qua phát hành TPDN.

Một số tồn tại, hạn chế

Một là, về các quy định pháp lý: Luật Chứng khoán không cho phép bán chứng khoán khống, do đó các thành viên đấu thầu trái phiếu không thể thực hiện chào giá 2 chiều khi không có mã trái phiếu được chào giá. Ngoài ra, Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công không cho phép việc các thành viên đấu thầu trái phiếu được vay trái phiếu từ Bộ Tài chính. Do vậy, không có cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên đấu thầu trái phiếu trong việc thực hiện các nghĩa vụ tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp trái phiếu.

Hai là, về cơ sở nhà đầu tư trên TTTP, hệ thống các nhà đầu tư trên TTTP, tập trung vào các NHTM (nắm giữ khoảng 87% tổng khối lượng trái phiếu), chưa có các tổ chức tài chính khác tham gia đầu tư dài hạn trên thị trường. Các NHTM chỉ trong điều kiện thanh khoản tốt, dư thừa về nguồn vốn khả dụng mới tham gia, đầu tư vào trái phiếu. Việc huy động mạnh các kỳ hạn ngắn làm tăng rủi ro tái cấp vốn đối với Chính phủ do vậy, việc tăng khối lượng huy động giai đoạn 2010 - 2013 chưa bền vững.

Ba là, quy mô TTTP Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn TTTP là 864.952 tỷ đồng, bằng 21,77% GDP năm 2014. Trong khi đó, quy mô của TTTP Thái Lan đã là 76,32%; thị trường Malaysia lên tới 101,7% GDP; của thị trường Hàn Quốc lên tới hơn 122% GDP…

Bốn là, thị trường TPDN phát triển chưa tương xứng với thị trường TPCP. Cụ thể, tính đến giữa năm 2014, tỷ lệ TPCP phát hành chiếm 98,4% trong tổng lượng trái phiếu phát hành và tỷ lệ trên luôn được duy trì ở mức cao kể từ khi TTTP chính thức được thành lập năm 2000. Việc phát hành trái phiếu chỉ lác đác ở vài DN lớn.

Năm là, cơ cấu thị trường chưa hoàn chỉnh, thị trường phái sinh chưa được thiết lập; chưa hỗ trợ nhiều cơ chế phòng ngừa rủi ro, chưa thực sự giúp các thành viên tìm kiếm đối tác dễ dàng khi có nhu cầu; cơ chế thanh toán bù trừ giao dịch trái phiếu còn nhiều hạn chế; cơ cấu thành viên thị trường chưa đa dạng.

Giải pháp phát triển cho giai đoạn 2015 - 2016

Theo Chiến lược phát triển nợ công theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển thị trường TPCP đến năm 2020 theo Quyết định số 261/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 về phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020, mục tiêu trọng tâm trong năm 2015 - 2016 là tiếp tục hoàn thiện mô hình thị trường TPCP, TPDN, xây dựng thị trường phái sinh TPCP, cùng với đó, phát triển các cấu phần của thị trường từ hàng hóa, thành viên đến hệ thống giao dịch, thông tin nhằm tăng tính hấp dẫn của TPCP đối với các nhà đầu tư, đồng thời gián tiếp hỗ trợ Chính phủ trong việc giảm chi phí vay nợ, từng bước hội nhập thị trường tài chính quốc tế.

Theo đó, nhà quản lý sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống nhà đầu tư cả trong và ngoài nước thông qua các hoạt động khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, các chương trình hành động gắn kết chặt chẽ giữa thành viên thị trường, cơ quan quản lý, Sở giao dịch, tổ chức phát hành, Hiệp hội Thị trường trái phiếu và các tổ chức tư vấn quốc tế.

Một số giải pháp cụ thể cho phát triển 2015 – 2016 cần quan tâm chú trọng bao gồm:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương. Sớm nghiên cứu và xây dựng Nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện để trình Chính phủ xem xét, ban hành nhằm củng cố hệ thống cơ sở nhà đầu tư dài hạn trên TTTP. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên đấu thầu để thực hiện các nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển hệ thống đại lý cấp I để hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp và thanh khoản của thị trường thứ cấp, đồng thời nghiên cứu chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường thông qua cơ chế về thuế và công cụ phòng ngừa rủi ro.

Hai là, khuyến khích sự phát triển của thị trường TPDN. Bộ Tài chính cần tổng kết, đánh giá các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định số 90/2011/ NĐ-CP về phát hành TPDN, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định nêu trên nhằm khuyến khích sự phát triển của thị trường TPDN.

Ba là, Kho bạc Nhà nước cần tiếp tục đổi mới công tác phát hành TPCP như thời gian tổ chức đấu thầu, phương pháp xét thầu; nghiên cứu triển khai thí điểm một số sản phẩm trái phiếu mới như trái phiếu zero coupon, long - short coupon, phát triển các sản phẩm mới; phát triển các sản phẩm trái phiếu phái sinh và các sản phẩm trái phiếu mới phù hợp với mức độ phát triển của thị trường.

Bốn là, tiếp tục hỗ trợ thị trường thứ cấp phát triển thông qua việc nghiên cứu: Các mô hình giao dịch thứ cấp khác trên thế giới, bao gồm hệ thống công nghệ thông tin, cơ chế thanh toán, lưu ký, cơ chế báo cáo; các giải pháp để xác định thời điểm phát sinh giao dịch thực tế, phân biệt giữa giao dịch Repo và giao dịch Outright để đảm bảo thống kê giao dịch phản ánh chính xác cả về thời điểm và bản chất giao dịch trên thị trường thứ cấp; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện hệ thống thanh toán TPCP qua ngân hàng nhằm đẩy nhanh tốc độ, trong giao dịch trái phiếu.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo tổng kết 5 năm thị trường TPCP của Bộ Tài chính, giai đoạn 2009 - 2014;

2. Báo cáo tổng kết giao dịch thị trường TPCP năm 2014 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội;

3. Báo cáo năm 2013, 2014 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Chính phủ (VAMA);

4. Chiến lược phát triển thị trường TPCP đến năm 2020 theo Quyết định số 261/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.