Tín dụng chính sách đạt trên 376 nghìn tỷ đồng, nhưng nợ quá hạn chỉ chiếm 0,19% tổng dư nợ
Trong 23 năm qua, đã có gần 47,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhưng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm xuống còn 0,55% tổng dư nợ.
Ngày 27/3/2025, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì buổi làm việc với NHCSXH để đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua, định phướng, giải pháp hoạt động trong thời gian tới.
Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 21,1% mỗi năm
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt trên 416 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 409 nghìn tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%; trong đó có 58.783 tỷ đồng là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách các địa phương.
Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao năm 2002) xuống còn 0,55%/tổng dư nợ.
Trong đó nợ quá hạn chiếm 0,19%/tổng dư nợ (thời điểm 20/3/2025).
Qua đó thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 376 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21,1%.
Hiện nay, hơn 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ vốn vay tại NHCSXH.
Trong 23 năm qua, đã có gần 47,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi.
Qua đó góp phần giúp hơn 7 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 7,6 triệu lao động; giúp hơn 4 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 20,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng, mua, thuê mua gần 784 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp và các đối tượng chính sách...

Tổng Giám đốc NHCSXH thông tin, trong những năm gần đây, NHCSXH được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao một số nhiệm vụ quan trọng.
Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đã hỗ trợ vốn vay cho 1.548 doanh nghiệp/người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với số tiền là 4.829 tỷ đồng để trả lương cho trên 1,2 triệu người lao động giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Ngân hàng cũng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ...
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ... cũng đánh giá cao những kết quả NHCSXH đã đạt được trong 23 năm qua.
Đặc biệt là trong việc phát triển, xây dựng mô hình quản trị hiện đại, hợp lý, phục vụ hiệu quả các đối tượng thụ hưởng... góp phần duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành cho rằng, NHCSXH cần tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp...
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH nhấn mạnh, NHCSXH là tổ chức cung cấp tài chính vi mô rất điển hình của Việt Nam, được quốc tế đánh giá đã góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn.
Thời gian tới, HĐQT NHCSXH quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp với đặc thù của đối tượng phục vụ để nâng cao hiệu quả quản trị, hoạt động của NHCSXH; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ tốt nhất cho người nghèo; tiếp tục rà soát, xây dựng tổ chức bộ máy hợp lý, hiệu quả...

Cần vốn "giá rẻ" phục vụ hộ nghèo
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, NHCSXH là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với cách làm sáng tạo, tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện, chuyên nghiệp, phục vụ hiệu quả đối tượng khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Gợi mở định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, NHCSXH phải ổn định sắp xếp bộ máy phù hợp với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay. Đặc biệt, sắp xếp lại bộ máy phải giữ được mạng lưới khách hàng.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị NHNN và các cơ quan chức năng, nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các nội dung liên quan cho người trẻ vay để mua nhà; cho người vay mua, thuê mua nhà ở xã hội... với tinh thần đổi mới, có cách làm sáng tạo, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, tạo điều kiện cho người yếu thế vươn lên.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH cần đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn “giá rẻ” để phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong đó cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, nghiên cứu mở rộng hình thức nhận vốn ủy thác không chỉ từ các địa phương mà còn từ các doanh nghiệp, tập đoàn...
Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại, bố trí, quản lý nhân sự hợp lý, hiệu quả.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, dữ liệu lớn... để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, phục vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị NHCSXH tiếp tục tăng cường công tác quản trị, quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả; rà soát, nghiên cứu, xây dựng lại, để tối ưu hóa quy trình xét duyệt cho vay, giải ngân, giám sát, thu hồi nợ... theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là tối thiểu giảm 30% thủ tục hành chính.