Tín hiệu tích cực từ chương trình bình ổn giá

Theo ktdt.com.vn

(Tài chính) Việc các địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn giá đã giúp hàng hóa trong và sau Tết Nguyên đán không có sự tăng giá đột biến.

Tín hiệu tích cực từ chương trình bình ổn giá
Hàng hóa trong và sau Tết Nguyên đán không có sự tăng giá đột biến. Nguồn: internet
Điều đó cho thấy, chương trình này đã phát huy được tác dụng khi giá cả thị trường có những biến động bất thường.

Giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy đã có 33 địa phương thực hiện chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán với số tiền 1.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng các doanh nghiệp Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa đủ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Việc chuẩn bị đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng tác động không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Người dân sau khi tiếp cận chương trình thông qua các gian hàng bình ổn giá lưu động do các doanh nghiệp tổ chức đã có nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
 
Chị Đặng Thị Nguyên ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết: Các điểm bán hàng bình ổn giá tổ chức tại ngoại thành đã giúp nông dân mua được các mặt hàng thiết yếu với giá rẻ hơn thị trường từ 10 - 15%. Hơn nữa, những mặt hàng này đều do doanh nghiệp trong nước sản xuất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Lượng hàng hóa được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh thông qua chương trình là yếu tố thu hút doanh nghiệp tham gia. Thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng vốn riêng của mình tham gia chương trình bình ổn giá mà không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều cho rằng: Chương trình bình ổn giá đã giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Điều quan trọng hơn cả là hàng Việt chất lượng cao được đưa đến tận tay người tiêu dùng, từ đó chiếm lĩnh thị trường, dần hạn chế hàng ngoại nhập.

Thực tế hoạt động triển khai chương trình cho thấy hàng nội đã dần chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng. Điều này đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng dần tỷ trọng hàng nội trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại các siêu thị.

Vẫn còn những khó khăn

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng trong quá trình triển khai, chương trình bình ổn giá cũng đã bộc lộ những hạn chế như: Giá một số mặt hàng tham gia bình ổn giá còn cao hơn cả giá thị trường. Nguyên nhân được một số doanh nghiệp phân phối lý giải là do chi phí kinh doanh của siêu thị cao, hàng hóa nông sản lại chậm luân chuyển nên không theo kịp diễn biến thị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là vốn dành cho chương trình bình ổn giá đã được triển khai một cách dàn trải nên tác dụng chi phối thị trường không cao.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đổng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) than phiền: Từ năm 2009, Hapro và các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về nông thôn, khu công nghiệp, nhưng kinh phí tổ chức bán hàng lưu động khá cao, lợi nhuận thu về thấp, không đủ bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu mua sắm tại các chợ "cóc" nên luôn có sự so sánh giá cả đối với hàng bình ổn giá. Điều đó dẫn đến việc tiêu thụ các mặt hàng bình ổn giá còn hạn chế.

Để có thể mở rộng chương trình, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có cách làm mới theo hướng chuyên đề, hạn chế tối đa tình trạng bình ổn giá dàn trải. Vừa qua, căn cứ vào tình hình cung cầu trên thị trường, ngành công thương Hà Nội đã bỏ mặt hàng giấy vở, đường ăn, thực phẩm đã qua chế biến ra khỏi chương trình bình ổn giá là minh chứng cho việc dành vốn tập trung bình ổn những mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc mở thêm điểm bán hàng bình ổn. Đồng thời tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, qua đó thu mua hàng hóa số lượng lớn để hưởng giá ưu đãi từ nhà sản xuất cũng như mở rộng điểm bán hàng.