Tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách quý I/2016 và kế hoạch công tác quý II/2016

Theo mof.gov.vn

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC THÁNG 3 VÀ QUÝ I NĂM 2016

1. Công tác nghiên cứu xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật:

Trong Quý I năm 2016 Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 03 Đề án (Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện NSNN năm 2015, tình hình triển khai dự toán NSNN năm 2016; Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định của Chính phủ quy định quản lý ngân quỹ nhà nước); đã ký ban hành 48 Thông tư/Thông tư liên tịch, 589 Quyết định và 3.999 công văn.

2. Tình hình thực hiện dự toán NSNN:

2.1. Về thu ngân sách nhà nước:

Tổng thu NSNN thực hiện tháng 3 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó:

a) Thu nội địa: Thực hiện tháng 3 ước đạt 54,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 193,8 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 9,3%).

b) Thu về dầu thô: Thực hiện tháng 3 ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu quý I ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,4% dự toán, bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015.

c) Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Thực hiện tháng 3 ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 45,8% (khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng) so với thực hiện tháng trước. Luỹ kế thu quý I đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3 ước đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế quý I ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16% dự toán, bằng 81,3% so cùng kỳ năm 2015.

2.2. Về chi ngân sách nhà nước:

Tổng chi NSNN tháng 3 ước đạt 92 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý I ước đạt 277,59 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2015, trong đó:

a) Chi đầu tư phát triển: thực hiện tháng 3 ước đạt 15,03 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 3 tháng đạt 46,67 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3% dự toán, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2015.

b) Chi trả nợ và viện trợ: thực hiện tháng 3 ước đạt 10,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 3 tháng ước đạt 39,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25,2% dự toán, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.

c) Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính: thực hiện tháng 3 ước đạt 66,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thực hiện chi 3 tháng ước đạt 191,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23,1% dự toán, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2015.

2.3. Về cân đối ngân sách nhà nước:

Bội chi NSNN tháng 3 ước 21,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế 3 tháng ước 47,08 nghìn tỷ đồng, bằng 18,5% dự toán năm.

2.4. Về tình hình huy động vốn cho ngân sách nhà nước:

Tính đến ngày 25/3/2016, đã thực hiện phát hành được gần 69 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, xấp xỉ 27% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2016, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

3. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ:

3.1. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính:

3.1.1. Về điều hành thu NSNN:

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thu, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đồng thời tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tập trung xử lý nợ đọng thuế. Kết quả đến hết Quý I năm 2016, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra được 6.510 doanh nghiệp, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.629 tỷ đồng; Tính đến tháng 3 năm 2016, tổng số tiền nợ thuế năm 2015 đã được thu hồi là 10.850 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 546 cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu 245,03 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) 197,93 tỷ đồng (số liệu tính đến 15/3/2016).

3.1.2. Về điều hành chi NSNN:

Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2016 cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện dự toán và thẩm định việc phân bổ, giao dự toán theo quy định. Các nhiệm vụ chi ngân sách nhìn chung được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Các khoản chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng chính sách, chế độ; quán triệt việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, khánh thành, tổng kết, đi công tác nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền và các khoản chi chưa thực sự cần thiết khác.

Trong quý I/2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi và phát hiện khoảng 2.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết.

3.2. Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất - kinh doanh:

Bộ Tài chính đã trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 11 dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất nhập khẩu và chủ động xây dựng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ.

Xây dựng kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, triển khai hải quan điện tử tại 100% Cục và Chi cục Hải quan địa phương; nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng Luật Hải quan 2014 và yêu cầu quản lý nhà nước; triển khai mở rộng Cơ chế một cửa Quốc gia[1] và cơ chế một cửa ASEAN[2]. Quyết tâm phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính đối với 03 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế

3.3. Đối với việc tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường:

Công tác điều hành giá được tăng cường, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán. Việc điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong đó:

- Đối với giá xăng dầu: Đến ngày 21/3/2015 so với thời điểm cuối năm 2015, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm 1.980.đồng/lít, dầu điêzen giảm 2.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.160 đồng/lít; mazut giảm 940 đồng/lít.

Đồng thời, để xử lý chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng, dầu theo các cam kết quốc tế, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng, dầu theo giá cơ sở tối đa tính trên thuế suất bình quân gia quyền.

- Đối với giá sữa: Tính từ ngày 01/6/2014 đến 21/3/2016, Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, kê khai của 808 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó: có 202 dòng sản phẩm sữa mới được công bố trên cơ sở rà soát hồ sơ xác định giá tối đa, đăng ký giá và kê khai giá của các doanh nghiệp và 606 dòng sản phẩm sữa đã lưu thông trước khi công bố thực hiện bình ổn giá, mức giá bán lẻ của các dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi đã giảm từ 0,1% - 34%. Mặt bằng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được giảm và thiết lập ổn định trong một thời gian dài.

3.4. Thực hiện nhiệm vụ tài chính đối ngoại và hợp tác quốc tế:

- Đàm phán, ký kết các Hiệp định, thoả thuận vay nợ, viện trợ: Trong Quý I/2016, đã ký kết 04 Hiệp định (trong đó có 02 Hiệp định vay phụ) với tổng trị giá 186,92 triệu USD.

- Công tác giải ngân: Trong tháng 03/2016 (tính đến thời điểm 24/03/2016), trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài đạt khoảng 4.104 tỷ đồng, lũy kế đến thời điểm báo cáo, tổng trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài đạt khoảng 13.753 tỷ đồng.

II. KẾ HOẠCH, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 4 VÀ QUÝ II NĂM 2016

1. Công tác nghiên cứu xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật:

Thực hiện xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền các Đề án, cơ chế, chính sách theo Chương trình công tác của Chính phủ; đồng thời, ban hành theo thẩm quyền các Thông tư/Thông tư liên tịch theo Chương trình công tác của Bộ Tài chính (dự kiến 48 Thông tư/Thông tư liên tịch).

2. Tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2016:

- Tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán được giao.

- Điều hành dự toán ngân sách năm 2016, đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh; Hướng dẫn xây dựng dự toán NNSN năm 2017.

- Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về thu NSNN; Phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao. Quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; kiên quyết xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra sau thông quan; giám sát đối với hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hoá ra, vào các khu chế xuất, kho ngoại quan.

- Tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

3. Về công tác huy động vốn:

- Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn, phấn đấu huy động đạt kế hoạch được giao.

- Tiếp tục rà soát, đàm phán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các khoản vốn nước ngoài bằng tiền cho cân đối NSNN; thực hiện huy động, giải ngân các khoản vốn vay nước ngoài theo kế hoạch.

4. Về công tác tài chính doanh nghiệp, tái cơ cấu DNNN:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương về xử lý tài chính, xử lý lao động dôi dư đối với các DNNN, thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp.

5. Về công tác tái cơ cấu thị trường chứng khoán:

Tiếp tục công tác tái cấu trúc các công ty chứng khoán; hướng dẫn, khuyến khích các công ty chứng khoán thực hiện hợp nhất, sáp nhập nhằm nâng cao năng lực hoạt động; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

6. Về công tác quản lý giá: Tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu theo lộ trình (giá điện, giá than, giá dịch vụ công...); tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá; rà soát, đánh giá, xây dựng các giải pháp cụ thể để xử lý chênh lệch thuế nhập khẩu xăng, dầu theo biểu MFN và FTA khi tính giá cơ sở.

7. Công tác hợp tác quốc tế, hội nhập tài chính: Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và ASEAN +3, triển khai đánh giá tổng thể các tác động khi thực hiện các FTA.

8. Về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế để những cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn số giờ nộp thuế đi vào thực tế; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016; Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử; hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.

- Tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020; Hoàn thiện và trình ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động cải cách, hiện đại hóa trọng tâm ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 và các năm 2016-2017; Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các Cục Hải quan địa phương xây dựng dự thảo Kế hoạch cải cách và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN.


[1] Tính đến 15/3/2016, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 09 Bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa, 28 thủ tục hành chính của 8 Bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số 55.026 bộ hồ sơ. Riêng trong lĩnh vực vận tải và logistic đã có 2.681doanh nghiệp thực hiện khai báo thủ tục cảng biển trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với tổng số 30.302 hồ sơ.

[2] Việt Nam đã thực hiện kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Hiện tại, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam công bố đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN vào đầu năm 2016 khi Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN chính thức được 10 nước thành viên phê chuẩn