Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng năm 2014

Theo customs.gov.vn

 Đánh giá chung

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 4/2014 là 25,33 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 13,07 tỷ USD, tăng 6,5% và nhập khẩu là 12,26 tỷ USD, giảm nhẹ 1,7%. Do vậy, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 4 đạt mức thặng dư 810 triệu USD.

Tính đến hết tháng 4/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt 90,97 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó xuất khẩu là 46,51 tỷ USD, tăng 18,9% và nhập khẩu là 44,46 tỷ USD, tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hoá 4 tháng/2014 thặng dư 2,05 tỷ USD.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hóa theo tháng từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2014

Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng năm 2014  - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa  trong 4 tháng/2014 là 54,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 28,94 tỷ USD, tăng 23% và nhập khẩu là 25,46 tỷ USD, tăng 14,3%. 

Khu vực các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng/2014 là gần 36,57 tỷ USD, tăng 11,1% so với 4 tháng/2013. Trong đó, trị giá xuất khẩu là gần 17,57 tỷ USD, tăng 12,8% và nhập khẩu là 19 tỷ USD, tăng 9,6%. 

Một số nhóm hàng xuất khẩu chính

Gạo: trong tháng, lượng gạo xuất khẩu đạt 654 nghìn tấn, tăng 3,6% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2014 lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước giảm 5,8% xuống còn 2 triệu tấn và kim ngạch giảm 3,2% xuống còn 940 triệu USD.

Trong 4 tháng/2014 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 919 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 44,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philipin trong 4 tháng đầu năm cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 380 nghìn tấn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường khác cũng tăng cao như sang Ghana đạt 95,5 nghìn tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước...

Cà phê: lượng cà phê xuất khẩu trong tháng là 211 nghìn tấn, giảm 24,3% so với tháng trước, trị giá đạt 446 triệu USD, giảm 21,4%. Tính đến hết tháng 4/2014, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đạt gần 812 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 1,62 tỷ USD, tăng 37,6% về lượng và tăng 28,1 % về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Cao su: tháng 4/2014, lượng cao su xuất khẩu đạt 38,4 nghìn tấn, giảm 15,6% và trị giá là hơn 74 triệu USD, giảm 13% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2014, lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước là gần 189 nghìn tấn, giảm 18% và trị giá đạt gần 377 triệu USD, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 4 tháng/2014 nhưng lượng xuất khẩu sang thị trường này đã giảm mạnh, chỉ đạt 71,7 nghìn tấn, giảm 37,6% so với 4 tháng/2013 và chiếm 38% lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Tiếp theo là Malaixia: 29,8 nghìn tấn, giảm 22,7%; Ấn Độ: 11,8 nghìn tấn, tăng 24,7%...

Hàng thuỷ sản:  trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 4/2014 là hơn 672 triệu USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2014, xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản cả nước đạt gần 2,28 tỷ USD, tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ là đối tác dẫn đầu nhập khẩu hàng thủy sản từ Việt Nam với kim ngạch trong 4 tháng/2014 đạt 540 triệu USD, tăng mạnh 67,5% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp theo là EU với trị giá xuất khẩu đạt 399 triệu USD, tăng 26,7%; sang Nhật Bản đạt 321 triệu USD, tăng 13,1% so với 4 tháng đầu năm 2013.
 
Biểu đồ 2: Xuất khẩu thủy sản sang 4 thị trường chính 4 tháng đầu năm giai đoạn 2012-2014
 
Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng năm 2014  - Ảnh 2
 
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Dầu thô
: lượng xuất khẩu trong tháng là 842 nghìn tấn, tăng 37,5%, trị giá là 742 triệu USD, tăng 33,1% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2014, lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước đạt 2,63 triệu tấn, giảm 3,1% và kim ngạch đạt 2,29 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Dầu thô của Việt Nam trong 4 tháng/2014 chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường sau: Nhật Bản: đạt hơn 850 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,2%; sang Ôxtrâylia: 567 nghìn tấn, tăng 6,7%; sang Trung Quốc: 489 nghìn tấn, gấp 4 lần; sang Malaixia: 284 nghìn tấn, giảm mạnh 35,1% so với cùng kỳ năm trước.

Than đá: lượng xuất khẩu trong tháng giảm mạnh, đạt 590 nghìn tấn, giảm 42,5%; trị giá xuất khẩu là hơn 46 triệu USD, giảm 36,6% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 4/2014, lượng xuất khẩu than đá của cả nước là 3,4 triệu tấn, giảm 31,2% với trị giá là 251 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Trung Quốc vẫn  là đối tác lớn nhất nhập khẩu than đá của Việt Nam với 2,3 triệu tấn, giảm 43,5% và chiếm tới 69% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; tiếp theo là Nhật Bản: 455 nghìn tấn, tăng 54,8%; Hàn Quốc: 400 nghìn tấn, tăng mạnh 70,3%… so với 4 tháng/2013.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu trong tháng 4/2014 là 798 triệu USD, giảm 4,7% so với tháng trước, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 4 tháng/2014 lên gần 3 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Trung Quốc là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam trong 4 tháng qua với 603 triệu USD, giảm 16%; tiếp theo là thị trường EU: 581 triệu USD, giảm 23,4%; Hoa Kỳ: 450 triệu USD, tăng 18,5%; Malaixia: 184  USD, giảm 44,1%... so với cùng kỳ năm trước.

Điện thoại các loại & linh kiện: trị giá xuất khẩu trong tháng 4/2014 đạt 2,61 tỷ USD, tăng 29,7% qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng lên 8,08 tỷ USD, tăng 36% (tương ứng tăng 2,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

EU là thị trường lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam trong 4 tháng qua với kim ngạch nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất xếp thứ hai với trị giá đạt 1,2 tỷ USD, tăng 17,6%. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hàn Quốc tăng gấp gần 25 lần so với cùng kỳ năm 2013, đạt 498 triệu USD.

Hàng dệt may: trị giá xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2014 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong 4 tháng/2014 lên gần 6 tỷ USD, tăng mạnh 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,95 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 49% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 4 tháng qua sang EU đạt 830 triệu USD, tăng 24,6%; Nhật Bản đạt 784 triệu USD, tăng 13%; và Hàn Quốc: 571 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2013.

Giày dép các loại: trị giá xuất khẩu trong tháng 4/2014 đạt 856 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2014 lên gần 3 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng qua, trị giá xuất khẩu hàng giày dép của Việt Nam sang thị trường EU đạt 984 triệu USD, tăng 26,7%; Hoa Kỳ đạt 947 triệu USD, tăng 26,5%; Nhật Bản đạt 171 triệu USD, tăng 43,2%; Trung Quốc đạt 150 triệu USD, tăng 31,4%... so với cùng kỳ năm trước.

Clanke và xi măng: lượng xuất khẩu trong tháng 4/2014 của nhóm hàng này đạt gần 2 triệu tấn, giảm 4,4% so với tháng trước. Trong đó clanke đạt 1,5 triệu tấn và xi măng đạt 500 nghìn tấn.
Trong 4 tháng đầu năm 2014, lượng xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 8,4 triệu tấn (clanke đạt 6,2 triệu tấn và xi măng đạt 2,2 triệu tấn)  và dẫn đầu trong số những mặt hàng có thống kê về lượng. Như vậy, lượng xuất khẩu nhóm hàng này trong 4 tháng/2014 tăng 40,6%; trị giá đạt 355 triệu USD, tăng mạnh 43,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính

Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác: trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 1,97 tỷ USD, tăng 12,6% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 4 tháng/2014 lên 6,76 tỷ USD, tăng 27,9% so với 4 tháng/2013; trong đó khối các doanh nghiệp FDI nhập khẩu 4,04 tỷ USD, tăng 30,2% và khối các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 2,72 tỷ USD, tăng 24,7%.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 4 tháng qua với trị giá là 2,3 tỷ USD, tăng 36,2%; tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản: gần 1,11 tỷ USD, tăng 23,5%; Hàn Quốc: 1,04 tỷ USD, tăng 26,2%; Đức: 338 triệu USD, tăng 38,4%…

Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện:  trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 1,36 tỷ USD, giảm 19,9% so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2014, cả nước nhập khẩu 5,53 tỷ USD nhóm hàng này, giảm 0,5%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 5,09 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là gần 440 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là gần 1,77 tỷ USD, tăng 11,5%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: gần 1,3 tỷ USD, giảm 8,4%; Xing ga po: 746 triệu USD, tăng 18,8%; Nhật Bản: 444 triệu USD, giảm 8,3%... so với cùng kỳ năm 2013.

 Xăng dầu các loại: lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng là 781 nghìn tấn, trị giá hơn 734 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 11,9% về trị giá so với tháng 3/2014.

Tính đến hết 4 tháng/2014, cả nước nhập khẩu 2,89 triệu tấn, tăng 18,2%. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm nhẹ 1,6% nên trị giá nhập khẩu là 2,73 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Xingapo với 987 nghìn tấn, tăng 37,3%; Đài Loan: 558 nghìn tấn, tăng 37,8%; Trung Quốc: 526 nghìn tấn, tăng 35,1%; Hàn Quốc: 267 nghìn tấn, tăng 24,9%... so với 4 tháng/2013.

Phân bón các loại: lượng phân bón nhập khẩu trong tháng là 368 nghìn tấn, trị giá là 110 triệu USD, tăng 26,6% về lượng và tăng 11,9% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết 4 tháng/2014, tổng lượng phân bón các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến gần 1,15 triệu tấn, tăng 3,9%. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 23,4% nên trị giá nhập khẩu là 361 triệu USD, giảm 20,4%. Đơn giá giảm mạnh nên các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã giảm bớt chi phí 110 triệu USD so với cùng kỳ.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam trong 4 tháng/2014 với 540 nghìn tấn, tăng 19,7% và chiếm 47% tổng lượng phân bón cả nước nhập về; tiếp theo là Nga: 122 nghìn tấn, tăng mạnh 103,4%; Nhật Bản: 125 nghìn tấn, tăng 39%… so với cùng kỳ năm 2013.

 Thức ăn gia súc & nguyên liệu: trong tháng 4/2014, cả nước nhập khẩu 272 triệu USD nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu, tăng 28,1% so với tháng trước; trong đó trị giá nhập khẩu khô dầu đậu tương là 145 triệu USD, tăng 73,8%.

Tính đến hết 4 tháng/2014, cả nước nhập khẩu gần 923 triệu USD nhóm hàng thức ăn gia súc & nguyên liệu, tăng nhẹ 1,7%; trong đó trị giá nhập khẩu khô dầu đậu tương là 451 triệu USD, giảm 4,9% so với 4 tháng/2013.

Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc & nguyên liệu trong 4 tháng qua chủ yếu từ các thị trường: Achentina: 260 triệu USD, gấp 2,1 lần; Hoa Kỳ: 172 triệu USD, tăng 3%; Trung Quốc: 90,6 triệu USD, tăng 58,1%… so với 4 tháng/2013.

Nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày: trị giá nhập khẩu trong tháng là 1,57 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2014, cả nước nhập khẩu gần 5,18 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 20,2%. Trong đó, trị giá vải nhập khẩu là gần 2,8 tỷ USD, tăng 18,3%; nguyên phụ liệu: gần 1,4 tỷ USD, tăng 27,9%; bông là 502 triệu USD, tăng 29,8% và xơ sợi: 479 triệu USD, tăng 3,6%.

Trong 4 tháng/2014, Việt Nam nhập khẩu nhóm mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với hơn 2 tỷ USD, tăng 29,2%; Hàn Quốc: 850 triệu USD, tăng 16,7%; Đài Loan: 714 triệu USD, tăng 10,5%; Hoa Kỳ: 309 triệu USD, tăng 22,6%… so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại: lượng nhập khẩu sắt thép trong tháng 4 là 868 nghìn tấn, trị giá là 586 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 3,1% về trị giá. Tính đến hết tháng 4/2014, lượng sắt thép cả nước nhập về là 3,07 triệu tấn, trị giá là 2,08 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Lượng phôi thép nhập khẩu trong 4 tháng qua là 121 nghìn tấn, trị giá là gần 65 triệu USD, giảm 5,5% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Trung Quốc là 1,29 triệu tấn, tăng 26,3%; Nhật Bản: 716 nghìn tấn, giảm 23,9%; Hàn Quốc: 418 nghìn tấn, giảm 14,1%; Đài Loan: 366 nghìn tấn, tăng 14,8%... so với 4 tháng/2013.

 Chất dẻo nguyên liệu: lượng nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu trong tháng 4 là 273 nghìn tấn, trị giá là 503 triệu USD, giảm 3,3% về lượng và giảm  4,8% về trị giá. Tính đến hết tháng 4/2014, lượng chất dẻo nguyên liệu cả nước nhập về là hơn 1 triệu tấn, trị giá là 1,91 tỷ USD, tăng 8,6% về lượng và tăng 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.

Chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng qua từ Ả rập Xê út là 237 nghìn tấn, tăng 13,2%; Hàn Quốc: 197 nghìn tấn, giảm nhẹ 1,2%; Đài Loan: 145 nghìn tấn, tăng 11,2%... so với 4 tháng/2013.

Hóa chất:  trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 270 triệu USD, tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước. Tính đến hết 4 tháng/2014, cả nước nhập khẩu hơn 1 tỷ USD nhóm hàng này, tăng 9,2%.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 293 triệu USD, tăng 17,4%; tiếp theo là các thị trường: Đài Loan: gần 149 triệu USD, tăng 12,9%; Hàn Quốc: 111 triệu USD, tăng nhẹ 0,7%; Nhật Bản: hơn 79 triệu USD, tăng 17,4%... so với cùng kỳ năm 2013.

Ô tô nguyên chiếc các loại:  lượng nhập khẩu ô tô trong tháng giữ ở mức ổn định so với tháng trước với hơn 4,4 nghìn chiếc. Trong 4 tháng/2014, cả nước nhập về 14,98 nghìn chiếc, tăng mạnh 49%; trong đó lượng xe 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 7 nghìn chiếc, tăng 25,1%; ô tô tải là 6,76 nghìn chiếc, tăng mạnh 86% và ô tô loại khác là 1,23 nghìn chiếc, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam với 5,3 nghìn chiếc, tăng nhẹ 1%. Tiếp theo là Thái Lan: 2,58 nghìn chiếc, tăng 42,5%; Ấn Độ: 2,15 nghìn chiếc (cùng kỳ năm 2013 là 250 chiếc); Trung Quốc: 2,08 nghìn chiếc, tăng 79%…