Tỉnh táo khi xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn
(Tài chính) Dự thảo Thông tư Hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn trong Luật Các tổ chức tín dụng quy định, các tổ chức tín dụng chưa bảo đảm việc sở hữu cổ phần trong giới hạn trước ngày 31/12/2014 hoặc thời hạn tái cơ cấu của mình, sẽ phải chuyển nhượng số cổ phần vượt giới hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện vẫn có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; có 8/33 ngân hàng thương mại cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ. Tại những ngân hàng thương mại cổ phần cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần, thì họ dễ thao túng, chi phối ngân hàng, phục vụ cho lợi ích của mình. Điều này đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch, hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc thận trọng và các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, nếu quá ngày 31/12/2014, hoặc thời hạn trong phương án tái cơ cấu đã được cơ quan chức năng phê duyệt, nếu các tổ chức tín dụng chưa bảo đảm việc sở hữu cổ phần trong giới hạn quy định, sẽ bị áp dụng các biện pháp mạnh. Cụ thể là, cổ đông sở hữu cổ phần quá giới hạn phải chuyển nhượng số cổ phần vượt giới hạn cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức được Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Cổ đông này cũng sẽ mất quyền biểu quyết đối với số cổ phần vượt quy định; không được tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát; không được ngân hàng cho vay, cấp tín dụng...
Theo dự thảo Thông tư, việc xử lý những cá nhân sở hữu cổ phần quá giới hạn không còn là việc của tổ chức tín dụng, mà chịu sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, không phải các cá nhân sở hữu cổ phần vượt giới hạn, hay thường được gọi là cổ đông lớn của ngân hàng lo ngại trước thông tin này. Thực tế, trên thị trường chứng khoán đã có nhiều vụ chuyển nhượng cổ phiếu do một số cổ đông lớn của ngân hàng nắm giữ, trong đó không ít vụ có giá trị giao dịch lớn. Bởi thực chất, lượng cổ phiếu ngân hàng được cổ đông lớn mua thường chỉ bằng 50% tiền thật, còn lại là từ tiền đi vay ở chính ngân hàng đó, thế chấp bằng cổ phiếu được mua. Để tái giảm gánh nặng nợ của mình, nhiều cá nhân đang muốn bán bớt cổ phiếu nắm giữ. Song, lượng cổ phiếu này được mua trong thời điểm giá cao và có giá trị giao dịch lớn nên không dễ bán lại. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại, nhiều cá nhân hẳn sẽ yên tâm hơn?
Nhưng có thể thấy, giá trị nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã giảm khá nhiều so với thời điểm các cổ đông lớn mua vào. Trong khi đó, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua khoản cổ phần sở hữu vượt giới hạn này, thì cũng sẽ không mua lại phần được thế chấp với chính ngân hàng đó. Số tiền cổ đông nợ ngân hàng nếu có bán cho Công ty Quản lý và Khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), thì cũng chỉ làm giảm nợ xấu cho ngân hàng, còn khoản nợ của cổ đông với ngân hàng vẫn giữ nguyên. Cổ đông lớn phải tự tìm cách để trả khoản nợ này, dù mình không còn là cổ đông, mất quyền chi phối ngân hàng. Vì vậy, khi giá mua lại cổ phiếu của cổ đông lớn của ngân hàng chưa được định đoạt thì vẫn có nhiều lo ngại. Bởi nếu mua lại phần cổ phần sở hữu vượt giới hạn đã quy định bằng giá trên thị trường hiện nay, sẽ tạo sức ép lên nợ xấu của ngân hàng. Điều này cộng với quan hệ cá nhân dễ dẫn đến sự thỏa hiệp, đưa ra mức giá khác, gây thiệt thòi cho cơ quan quản lý đứng ra mua lại cổ phần.
Nếu triển khai thi hành Thông tư này của Ngân hàng Nhà nước, tình trạng cá nhân nắm được quyền chi phối ngân hàng bằng tiền ảo, cũng như việc sở hữu chéo sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định sự khôn ngoan của người mua hay sự lão luyện của người bán sẽ thắng thế trong quá trình chuyển nhượng lượng cổ phần do cá nhân sở hữu vượt giới hạn quy định. Người dân đang chờ quyết định sáng suốt từ cơ quan quản lý Nhà nước.