Tỉnh Vĩnh Long tạo đà cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Năm 2024 là năm thứ 3 tỉnh Vĩnh Long triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/12/2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2030. Có nhiều thành tựu đạt được trong năm, tạo đà cho phát triển lĩnh vực này trong năm 2025.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư
Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành một số chính sách tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu và chuyển giao, duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nổi bật là Nghị quyết số 158/NQ-HĐND ngày 22/4/2024 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 và Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 22/9/2022 của HĐND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong đó đã cân đối, bố trí 28,554 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho HTX nông nghiệp.
Năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành các bộ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, trong đó có cắt giảm, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó đáng kể nhất là Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 30/9/2024 về công bố danh mục thủ tục mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin dự án mới, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trong năm 2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 về phê duyệt danh mục dự án thu hút mời gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách và danh mục dự án khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025 và sau năm 2025; theo đó có 2 dự án lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn với quy mô 102,2ha, ước tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
Huyện Trà Ôn đã đề xuất mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2025 tại khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái xã Phú Thành- Lục Sĩ Thành, khu nông nghiệp công nghệ cao xã Thiện Mỹ và khu nông nghiệp công nghệ cao xã Tân Mỹ.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 7 doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng số vốn đăng ký là 22,2 tỷ đồng. Lũy kế, toàn tỉnh có 54 doanh nghiệp đăng ký thành lập thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 784,8 tỷ đồng; 39 dự án trên lĩnh vực nông nghiệp được cấp chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 7.992 tỷ đồng (trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6,85 triệu USD).
Các doanh nghiệp, dự án trên lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp và thủy sản của địa phương, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Có thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Song song đó, tỉnh Vĩnh Long chú trọng xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông qua các mô hình khuyến nông và các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tốt (GAP) tích hợp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, hướng hữu cơ, gia tăng giá trị, đảm bảo đầu ra và thân thiện môi trường. Kết quả có nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản xuất nông nghiệp theo hướng tốt GAP, hữu cơ tiếp tục được hình thành, duy trì và nhân rộng trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, năm 2024, sở đã được tỉnh và Trung ương bố trí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp thực hiện Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025, trong đó đã hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, điển hình như: Ứng dụng thiết bị bay không người lái (máy bay nông nghiệp) trong canh tác 60ha bưởi da xanh, năm roi, sầu riêng theo hướng GAP; xây dựng 29 mô hình IPHM tăng trưởng xanh trên lúa, màu và cây ăn trái; dự án “Cánh đồng xanh- Phero Rice” trong vụ Hè Thu 2024 với diện tích 6,49ha ở xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) và 3ha ở xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm); mô hình “Sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm)” với quy mô 20ha ở vụ Đông Xuân 2024-2025 tại xã Thiện Mỹ (huyện Trà Ôn)...
Bên cạnh, ngành nông nghiệp tỉnh còn tiếp tục duy trì mô hình canh tác ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận hữu cơ, gồm: 53ha trồng lúa của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi, HTX nông nghiệp làng hữu cơ Hiếu Thuận ở xã Hiếu Thuận (huyện Vũng Liêm) và của HTX nông nghiệp Tân Tiến ở xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình); 75ha mô hình dừa hữu cơ của nông dân xã Trung An, Trung Hiếu, Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm); 10ha vùng trồng cam của HTX nông nghiệp Phương Thúy (huyện Trà Ôn); 12ha mô hình cải xà lách xoong ở xã Thuận An (TX Bình Minh). Hiện, tỉnh xây dựng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cây dừa 30ha tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Lĩnh vực trồng trọt có 72 cơ sở sản xuất nông sản được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và tương đương, Global GAP, HACCP…; 222 mã số vùng trồng xuất khẩu và nội địa được cấp còn hiệu lực (3.734,84ha) và 11 mã số cơ sở đóng gói.
Lĩnh vực chăn nuôi có 33 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Lĩnh vực thủy sản có 13 cơ sở nuôi, sản xuất giống thủy sản (64,7ha) được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP và tương đương và có 11 mã số nuôi động vật hoang dã dưới nước; 82/82 cơ sở nuôi cá tra thâm canh đều đã được cấp mã số nhận diện/giấy xác nhận đăng ký nuôi đối tượng chủ lực.
Mức độ đầu tư và khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân dần cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ đã mạnh dạn thuê đất để mở rộng diện tích, chủ động sản xuất theo quy trình đồng bộ, đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa,… để tạo ra sản phẩm đủ lớn về số lượng, chất lượng, an toàn, giá thành thấp, cạnh tranh cao.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, mặc dù hiện các dự án được mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao được triển khai vào thực tế rất thấp và toàn tỉnh chưa hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận. Nhưng với những kết quả nêu trên sẽ là nền tảng, tạo thuận lợi cho công tác thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tạo đà cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong năm 2025 -năm bản lề của giai đoạn 2025 -2030