Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp bền vững

PV. (t/h)

Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó, cần có giải pháp để chuyển đổi từ sử năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, trong đó, năng lượng sinh khối đang được đánh giá là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ hợp tác Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), từ ngày 18-20/9/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 100 đại biểu, diễn giả là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà sản xuất tiêu biểu từ các nền kinh tế thành viên cũng như tổ chức quốc tế hoặc khu vực để chia sẻ những thông lệ quốc tế theo sự đồng thuận của các thành viên APEC.

 

Hội thảo APEC về “Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững” diễn ra trong 2 ngày tại Hà Nội và 1 ngày tham quan thực tế các mô hình sinh khối từ chất thải nông nghiệp thành công tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cao, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... Thực tế này đòi hỏi tất cả mọi quốc gia trên thế giới phải khẩn trương có kế hoạch với những hành động thiết thực trong việc tìm ra giải pháp chuyển đổi từ sử năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo... trong đó, năng lượng sinh khối đang được đánh giá là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng.

Năng lượng sinh khối được xem là một nguồn năng lượng tái tạo vì các nguồn tài nguyên sinh học có thể tái tạo lại trong thời gian ngắn, so với năng lượng từ các nguồn hóa thạch như than đá hoặc dầu mỏ. Điều này giúp giảm bớt lượng khí thải carbon dioxide ra môi trường so với việc sử dụng năng lượng từ các nguồn hóa thạch, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Năng lượng sinh khối có thể ở nhiều dạng khác nhau như điện sinh khối, ethanol, biodiesel, biogas, nhiệt sinh học, khí từ chất thải và được sản xuất bằng cách đốt cháy hoặc biến đổi sinh học nguồn nguyên liệu như gỗ, bã mía, bã cây trồng, bã cỏ, hoặc bã bắp.

Nhằm thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững, tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận về định hướng phát triển năng lượng sinh khối toàn cầu và khu vực; việc thúc đẩy năng lượng sinh khối trong khu vực APEC; Chính sách và tài chính cho phát triển năng lượng sinh khối trong khu vực APEC. 

Tại phần thảo luận, các đại biểu tập trung bàn luận về nội dung sinh khối cho tăng trưởng: Tiềm năng và thách thức thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong cộng đồng nông nghiệp khu vực APEC. Trong phần này, các chuyên gia quốc tế và khu vực cũng chia sẻ về xu hướng toàn cầu và khu vực trong việc sử dụng sinh khối làm nguồn năng lượng; tiềm năng và thách thức để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh học trong khu vực APEC; các công nghệ hiện có về sản xuất sinh khối; chiến lược dàn hạn, ưu đãi và quy định cho phép triển khai công nghệ năng lượng sinh học; môi trường chính sách và thể chế cho phép, việc thực hiện các thông lệ tốt và công cụ chính sách để thúc đẩy năng lượng sinh học; kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên trong sản xuất và sử dụng sinh khối; cách xây dựng cơ chế hợp tác APEC để thúc đẩy sản xuất sinh khối từ chất thải nông nghiệp...

Được biết, các đại biểu sẽ được tham quan 2 mô hình tại Mộc Châu: Mô hình sử dụng năng lượng sinh học để sản xuất điện từ chất thải chăn nuôi bò sữa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nông dân tại trang trại chăn nuôi bò sữa và Mô hình sử dụng lõi ngô làm nhiên liệu sấy nông sản và ủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Tại đây, nông dân sẽ giới thiệu các công nghệ sản xuất sinh khối để tự sản xuất sinh khối phục vụ nhu cầu sử dụng của mình nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng và bảo vệ môi trường.