Tổ chức tín dụng - mục tiêu hàng đầu của tội phạm rửa tiền

Quang Bình

Những nghiên cứu cho thấy, hoạt động rửa tiền qua ngân hàng, tổ chức tín dụng của bọn tội phạm rất đa dạng, phức tạp, qua nhiều công đoạn. Tổ chức tín dụng là một trong những mục tiêu hàng đầu của tội phạm rửa tiền.

Phòng chống rửa tiền thông qua các tổ chức tín dụng

Ngày nay, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh, thương mại, ngân hàng để rửa tiền đã được một số đối tượng lợi dụng nhằm rửa tiền phạm tội mà có (như tiền nhận hối lộ, tham nhũng, tiền mua bán ma túy…). Những phân tích cũng cho thấy tổ chức tín dụng là một trong những mục tiêu hàng đầu của tội phạm rửa tiền. Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tín dụng được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau. Trong đó, các giao dịch được tập trung thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, mà chủ yếu là các ngân hàng. Do đó, phòng chống rửa tiền trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng vì thế được đặc biệt quan tâm trong những năm qua và trong thời gian sắp tới.

Thời gian qua, khung pháp luật về phòng chống rửa tiền ở nước ta  đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện trong thời gian mười năm qua, kể từ thời điểm Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng chống rửa tiền (PCRT) - văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên điều chỉnh trực tiếp về hoạt động rửa tiền ở Việt Nam - có hiệu lực pháp luật.

Những chế định pháp lý cơ bản tạo nên khung cơ sở pháp lý cho công tác phòng chống rửa tiền bao gồm: (i) Luật PCRT năm 2012; (ii) Chế định tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở quy định của các văn bản kể trên, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản hướng dẫn triển khai công tác PCRT. Các văn bản hiện đang được áp dụng trực tiếp đối với các tổ chức tín dụng là hai Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về PCRT; Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 35/2013/TT-NHNN. Bên cạnh đó, các Thông tư hướng dẫn về việc mở và sử dụng tài khoản, Thông tư về giao dịch không sử dụng tiền mặt, Thông tư về giao dịch sử dụng tiền mặt và nhiều văn bản hướng dẫn khác cũng bổ sung một cách tích cực vào công tác PCRT.

Quá trình hoàn thiện pháp luật về PCRT ở Việt Nam thường xuyên được FATF và Nhóm Châu Á/Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) rà soát, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị phù hợp. Hàng loạt những điều chỉnh lớn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong việc đáp ứng những yêu cầu của các khuyến nghị. Như Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có hai thay đổi quan trọng: Xây dựng chế định tội rửa tiền phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo) và quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể đối với các tổ chức tín dụng phải áp dụng các biện pháp để nhận biết khách hàng là đối tượng có nghi ngờ thực hiện hành vi rửa tiền (quy định tại Điều 8 Luật PCRT năm 2012). Theo đó, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau: Khách hàng mở tài khoản hoặc thiết lập giao dịch với tổ chức tài chính; Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo; Có nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; Có nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Biện pháp mạnh chặn tiền bẩn qua hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng

Trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Việt Nam cần tập trung tăng cường công tác PCRT thông qua các tổ chức tín dụng. Theo đó, xin đề xuất một số giải pháp cần quan tâm như sau:

Thứ nhất, NHNN Việt Nam (NHNN) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng như Interpol, an ninh kinh tế trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật và Nghị định 74 cũng như yêu cầu các cơ quan này hỗ trợ khi cần thiết. Tổ chức tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý, lưu giữ, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến rửa tiền đồng thời chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để thanh tra, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, thông thường bọn tội phạm thường rửa tiền thông qua các giao dịch xuyên quốc gia bằng tiền mặt như thuê người vận chuyển qua biên giới, sau đó đổi tiền tại các quầy đổi tiền ở các nước sở tại. Để góp phần hạn chế rửa tiền thông qua hình thức này, các cơ quan chức năng cần nỗ lực đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc khuyến khích các tổ chức kinh tế cá nhân thanh toán qua thẻ, mở tài khoản miễn phí cho các cá nhân, tổ chức kinh tế, mở rộng mạng lưới ATM, duy trì và tăng cường biện pháp nhằm đưa chính sách về một nền kinh tế không sử dụng tiền mặt vào thực tiễn. NHNN đẩy mạnh việc thực hiện kiểm toán bắt buộc hàng năm và hệ thống thanh tra hoạt động quy củ chặt chẽ, qua đó định kỳ hàng năm NHNN kiểm soát được các hoạt động tài chính bất hợp pháp, các thông tin nội bộ bị tiết lộ hoặc các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền.

Thứ ba, không cho phép các tổ chức tín dụng giao dịch tiền ảo cho khách hàng. NHNN cần tăng cường biện pháp kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng bất kỳ dịch vụ thanh toán, thẻ, tín dụng, chuyển tiền… liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng. Nguyên nhân được đơn vị quản lý cho rằng những nghiệp vụ này có thể sẽ phát sinh những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, gian lận, trốn thuế. Các ngân hàng, TCTD, đơn vị trung gian thanh toán phải báo cáo lại các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo và có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật về PCRT, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.

Thứ tư, về phía các tổ chức tín dụng: cần xác định rằng “Hiểu được những vấn đề mấu chốt của khách hàng” là nguyên tắc hàng đầu trong kinh doanh để vừa phòng chống rủi ro cũng như để phục vụ ngân hàng tốt nhất. Vì vậy, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần thu thập thông tin và tìm hiểu khách hàng kỹ lưỡng trên tất cả các hoạt động nghiệp vụ then chốt của ngân hàng, từ nghiệp vụ tín dụng, bảo lãnh, nhận tiền gửi, thanh toán,...Ngân hàng cần liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: trung tâm thông tin tín dụng CIC của NHNN, cơ quan Interpol để chủ động nắm bắt thông tin về khách hàng để bất kỳ lúc nào truy cập vào hệ thống sẽ có bức tranh toàn diện về khách hàng với những thông tin đầy đủ, chi tiết và thường xuyên được cập nhật.