IMF kêu gọi hợp tác toàn cầu về tiền ảo để chống rửa tiền, trốn thuế và lừa đảo

Theo Phương Anh/theleader.vn

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hiện đang kêu gọi một sự phối hợp quy mô toàn cầu liên quan đến thế giới tiền ảo dựa theo những cảnh báo về rủi ro từ việc tăng giá.

IMF hiện đang kêu gọi một sự phối hợp quy mô toàn cầu liên quan đến thế giới tiền ảo dựa theo những cảnh báo về rủi ro từ việc tăng giá. Nguồn: internet
IMF hiện đang kêu gọi một sự phối hợp quy mô toàn cầu liên quan đến thế giới tiền ảo dựa theo những cảnh báo về rủi ro từ việc tăng giá. Nguồn: internet

Ông Gerry Rice, người phát ngôn của IMF đánh giá việc thảo luận và hợp tác quốc tế rộng rãi giữa các nhà quản lý sẽ mang lại lợi ích, tuy nhiên, hiện chưa rõ sẽ hợp tác theo hình thức nào.

Mối liên kết và hợp tác cũng như các hành động đang ngày càng được thúc đẩy nhiều hơn trong bối cảnh các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin trở thành một hiện tượng đầu tư mới.

Năm 2017, giá Bitcoin đã tăng vọt và có thời điểm chạm ngưỡng 20.000 USD, tức là gấp 20 lần so với mức giá ban đầu được giao dịch. Điều này đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đưa chân vào thị trường này.

Theo ông Rice, khi giá tài sản tăng quá nhanh, rủi ro có nguy cơ tích tụ ngày càng nhiều, đặc biệt đối với những người đang vay tiền để tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là mọi người phải nhận thức được rủi ro và thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro cần thiết.

Mặc dù các loại tiền tệ kỹ thuật số sở hữu những lợi ích tiềm năng như hiệu quả thanh toán, nguy cơ của các đồng tiền này thậm chí còn nhiều hơn vậy và tạo ra thiệt hại, đặc biệt cho các nhà đầu tư cá nhân.

Ông Rice cho rằng, các đồng tiền ảo có thể trở thành những rủi ro đáng kể khi được sử dụng là phương thức rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế và lừa đảo.

IMF không phải là tiếng nói duy nhất kêu gọi sự phối hợp mạnh mẽ hơn trong vấn đề tiền ảo.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã kêu gọi nhóm G20 ngăn chặn các đồng tiền ảo trở thành tài khoản số của các tài khoản ngân hàng vô danh. Mỹ muốn đảm bảo rằng "những người xấu không thể sử dụng các đồng tiền này để tạo ra những điều tồi tệ".

Trả lời phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington ngày 12/1, ông Mnuchin cho biết, lo ngại lớn nhất của mình về các đồng tiền ảo là chúng có thể bị sử dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền hoặc tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp và người tiêu dùng có thể bị phương hại từ việc đầu tư tích trữ đồng tiền ảo này.

Ngân hàng trung ương Đức mới đây cho rằng bất kì nỗ lực điều chỉnh các đồng tiền kỹ thuật số nào cũng nên được thực hiện trên quy mô toàn cầu do các quy tắc tại quốc gia hay khu vực sẽ khó có thể thực thi đối với thế giới tiền ảo không biên giới.

Mặc dù thu hút được nhiều sự chú ý cũng như những dòng tiền đổ vào trong thời gian qua, Bitcoin cũng nhận được không ít sự chỉ trích và được xem như là một hiện tượng “bong bóng”.

Giữa tháng này, nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett nhận định cơn sốt về Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không có kết thúc tốt đẹp và điều này sẽ xảy ra bằng cách này hay cách khác.

Bên cạnh đó, Robert Shiller, nhà kinh tế học đạt giải Nobel tin rằng, không có cách thức nào rõ ràng để đặt ra được một mức giá cho Bitcoin.

Shiller cũng chia sẻ quan điểm của mình về Bitcoin cùng với câu hỏi: “Làm thế nào để chúng ta có thể bắt đầu việc ước tính giá trị cơ sở của Bitcoin với một mức vốn hóa thị trường kỳ lạ lên tới hơn 275 tỷ USD? Bất kỳ cố gắng nào cũng sẽ sớm trở thành ngớ ngẩn”.