Tổ chức World Cup 2018 Nga chi hơn 14 tỷ USD dự kiến thu về 31 tỷ USD

Theo Phan Chính/nhadautu.vn

Để tổ chức World Cup 2018, nước Nga đã phải chi khoảng hơn 14 tỷ USD và dự kiến thu về 31 tỷ USD.

 World Cup 2018 sẽ được tổ chức tại 12 sân vận động của 11 thành phố ở nước Nga. Nguồn: internet
World Cup 2018 sẽ được tổ chức tại 12 sân vận động của 11 thành phố ở nước Nga. Nguồn: internet

Theo đó, các trận đấu World Cup 2018 sẽ được tổ chức tại 12 sân vận động của 11 thành phố Nga: Moskva, St Petersburg, Kazan, Nizhny Novgorod, Samara, Yekaterinburg, Volgograd, Rostov-on-Don, Sochi, Kaliningrad và Saransk.

Mới đây, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s của Mỹ cho biết, World Cup 2018 có tác động rất ít đến nền kinh tế Nga, trong khi báo cáo của Chính phủ Nga khẳng định ngược lại.

Theo dự tính, World Cup 2018 có thể mang lại cho kinh tế Nga gần 31 tỷ USD. Cụ thể hơn, trong một báo cáo mới của Nga cho biết, trong hơn 10 năm từ 2013 đến 2023, việc chuẩn bị, tổ chức World Cup 2013 đã thúc đẩy GDP của nước này tăng thêm từ 1,62 nghìn tỉ ruble (tương đương 26 tỉ USD) đến 1,92 nghìn tỉ ruble (30,8 tỉ USD). Đây là kết quả của việc du lịch tăng trưởng, tỉ lệ đầu tư lớn vào xây dựng, bên cạnh đó là những tác động từ các nguồn đầu tư của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich và cũng là Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức World Cup 2018, “World Cup có ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Nga. Nhờ giải đấu này, kinh tế ở những khu vực có tổ chức các trận đấu đã phát triển mạnh mẽ. Trong dài hạn, World Cup sẽ tiếp tục mang lại ảnh hưởng tích cực cho Nga”.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận và có thể nhìn thấy trực tiếp là những thay đổi tại các khu vực diễn ra World Cup 2018, với 8 SVĐ được xây mới, 4 SVĐ được sửa chữa lại và thêm 95 sân tập. Ở những thành phố tổ chức, hạ tầng giao thông được nâng cấp từ 5% ở St.Petersburg cho đến 74% ở Kazan. Bên cạnh đó, có 360 sự kiện văn hóa và giáo dục được tổ chức trên khắp nước Nga dịp này và quan trọng không kém, 77% số người Nga được hỏi đều cho rằng, tổ chức World Cup 2018 đã làm tăng vị thế của đất nước.

Ở kỳ World Cup trước đó, năm 2014, chủ nhà Brazil cũng đã chi 14 tỉ USD cho World Cup, trong đó, chủ yếu xây dựng hoặc nâng cấp 12 sân vận động - là địa điểm diễn ra các trận đấu (FIFA chỉ đóng góp 2 tỉ USD). Ngân quỹ Brazil đều lấy từ tiền thuế dân đóng góp, vì thế đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống đối cho rằng thay vì tiêu tốn tiền cho World Cup lẽ ra nên dùng số tiền đó để cải thiện điều kiện sinh sống của dân trong nước đang trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Cũng từ đó mà nước chủ nhà đã phải bỏ ra 322 triệu USD lo công tác bảo vệ an ninh trước và trong World Cup. Brazil điều động 157.000 nhân viên làm nhiệm vụ này, trong đó có 57.000 binh lính bao gồm cả lực lượng phản ứng nhanh lên tới 21.000 người được huấn luyện tinh nhuệ.

Cứ mỗi mùa World Cup, FIFA lại hốt bạc nhờ sức hút của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Phần lớn khoản thu từ tiền bản quyền truyền hình và các thương quyền khai thác quanh World Cup. Nhờ thế mà các đội được "ăn chia" cũng nhiều hơn và tiền thưởng cho đội vô địch cũng cao hơn. Tuy nhiên, miếng bánh lớn vẫn thuộc về FIFA được xem là cái máy đếm tiền ở mỗi kỳ World Cup…