Tiếp nối truyền thống vẻ vang 77 năm:
Toàn ngành Thuế phấn đấu thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế trong thời kỳ mới
Trải qua 77 năm xây dựng và phát triển, ngành Thuế Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo mục tiêu bao quát, mở rộng nguồn thu, chống thất thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Phóng viên: Đồng hành với sự phát triển của đất nước, ngành Thuế đã vượt qua không ít khó khăn để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả nước. Tổng cục trưởng có thể khái quát về những dấu mốc quan trọng của ngành Thuế trong 77 năm xây dựng và phát triển?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một tuần sau, ngày 10/9/1945 “Sở Thuế quan và thuế gián thu” được thành lập và ngày này hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là ngày truyền thống của ngành Thuế Việt Nam. Từ đó đến nay, đồng hành theo từng giai đoạn lịch sử của đất nước, cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế qua các thời kỳ đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại những ngày đầu mới thành lập, đất nước ta ở trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, nạn đói hoành hành, ngân quỹ chính quyền non trẻ hầu như trống rỗng. Tuy nhiên, với trách nhiệm “Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN” ngành Tài chính đã cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các loại thuế bất hợp lý, vận động người dân tự nguyện đóng góp thông qua các phong trào như “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo nuôi quân”. Với sự tự nguyện đóng góp của nhân dân đã bước đầu hình thành ngân khố quốc gia, góp phần quan trọng cho công cuộc trường kỳ kháng chiến.
Từ khi ra đời cho đến nay, ngành Thuế đã luôn chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Số thu NSNN luôn đạt mức tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước và từ năm 2017 đã đạt mức trên 1 triệu tỷ đồng. Đến hết năm 2021, có 47 địa phương đạt quy mô số thu trên 5.000 tỷ đồng, trong đó 29 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng.
Hệ thống chính sách thuế đã được xây dựng tương đối đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, vừa bao quát được các nguồn thu của nền kinh tế, vừa là cơ sở pháp lý để Nhà nước thực hiện khuyến khích đầu tư, bảo hộ sản xuất, huy động nguồn lực tài chính phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước.
Công tác quản lý thuế từng bước được cải cách theo hướng người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp vào ngân sách và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; thúc đẩy kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Đến nay hệ thống khai thuế điện tử đã được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; tỷ lệ DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đạt trên 99%.
“Sự đóng góp của lớp lớp các thế hệ CBCC đã giúp ngành Thuế làm nên nhiều thành tích quan trọng, ghi dấu nhiều mốc son trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, toàn ngành Thuế có quyền tự hào về những thành tích vẻ vang trong suốt 77 năm xây dựng và trưởng thành (10/9/1945 - 10/9/2022).”
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế -
Cao Anh Tuấn
Với phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của công tác quản lý thuế, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính thuế. Đến nay, ngành Thuế đã cắt giảm số thủ tục hành chính từ 498 xuống còn 234 thủ tục (giảm 264 thủ tục). Các thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đều đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu điện tử hóa, số hóa. Việc điện tử hóa trong công tác quản lý thuế cũng là một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện cải cách, tinh giản bộ máy của ngành Thuế, giảm từ 711 chi cục thuế (năm 2019) xuống còn 413 chi cục thuế (năm 2021); giảm gần 2.800 đầu mối cấp phòng, cấp đội so với năm 2015.
Với 77 năm xây dựng và phát triển, ngành Thuế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển của đất nước. Ghi nhận những đóng góp quan trọng, tích cực của ngành, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các tập thể và cá nhân ngành Thuế, như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động... Hơn hết, cán bộ công chức thuế luôn là người bạn đồng hành cùng người nộp thuế, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế nâng cao nhận thức và tính tự giác trong chấp hành chính sách pháp luật thuế, thể hiện đúng phương châm của ngành như lời Bác Hồ dạy “thu thuế phải thu được lòng dân”.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Thuế và lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị khối cơ quan Tổng cục Thuế.
Phóng viên: Trong 3 năm vừa qua, hầu hết các nước đều chịu tác động mạnh của đại dịch và suy giảm kinh tế, trong khi đó Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cũng như tăng thu ngân sách. Vậy xin Tổng cục trưởng cho biết, ngành Thuế đã triển khai những giải pháp gì để có được kết quả rất ấn tượng đó?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Trong thời gian vừa qua, các DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN, người nộp thuế, ngành Thuế đã chủ động đề xuất và triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần hỗ trợ người dân và DN ứng phó với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ổn định sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn tài chính ổn định, bền vững cho NSNN.
Song song với đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính về chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành Thuế đã đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng thuế điện tử cho cá nhân. Theo đó, dịch vụ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản đã được Tổng cục Thuế triển khai tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã có 843.547 tài khoản đăng ký; cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân, nộp điện tử lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc qua các kênh thanh toán Internet banking, Mobile banking.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến và nộp thuế điện tử tại nhiều ngân hàng, góp phần đẩy mạnh thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cơ quan thuế đã triển khai dịch vụ eTax Mobile từ ngày 21/03/2022.
Theo đó, người nộp thuế có thể xác thực đăng ký tài khoản eTax mobile điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số CMT/CCCD trên hệ thống của ngân hàng, thay vì việc sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục. Tổng cục Thuế đã tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 9 ngân hàng và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Đến ngày 15/8/2022 đã có 116.643 lượt tải và cài đặt sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 60.188 giao dịch qua ngân hàng với tổng số tiền trên 291 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Dựa trên các căn cứ pháp lý về quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài đã hoàn thiện, thông qua cổng thông tin điện tử này, nhà cung cấp nước ngoài có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả triển khai đến cuối tháng 8/2022 đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công, trong đó có nhiều nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Tik tok, Netflix, Microsoft.
Đặc biệt, là việc triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022 theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn do khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai gấp và tác động đến hầu hết các tổ chức, cá nhân nộp thuế. Tuy nhiên, xác định việc thực hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho DN và xã hội, nên từ cuối năm 2021, ngành Thuế đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai.
Với cách làm bài bản và khoa học, đến hết ngày 30/6/2022 toàn bộ tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã hoàn thành đăng ký chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Ghi nhận những nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tặng Bằng khen cho Tổng cục Thuế; Bộ Tài chính đã tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc thuộc Tổng cục Thuế.
Những nỗ lực của ngành Thuế không chỉ cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn, mà còn đem lại nguồn thu bền vững cho NSNN với số thu và quy mô ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Đáng chú ý năm 2019 lần đầu tiên cả 63/63 Cục Thuế tỉnh, thành phố đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu.
Trong 2 năm 2020, 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong cả nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân. Nhưng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, thu ngân sách vẫn có bước tăng trưởng khá. Năm 2020 thu vượt trên 24.400 tỷ đồng. Năm 2021, tổng thu ngân sách cho ngành Thuế quản lý vượt trên 177.000 tỷ đồng. Kết quả này có ý nghĩa to lớn, góp phần đảm bảo các cân đối vĩ mô, nhất là trong bối cảnh Nhà nước phải tăng chi cho an sinh xã hội và công tác phòng chống dịch.
Phóng viên: Trong 77 năm qua, lớp lớp các thế hệ các bộ công chức ngành Thuế đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để ghi thêm ngày càng nhiều thành tựu nổi bật, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của ngành. Tiếp nối và phát huy truyền thống đó, Tổng cục trưởng có thông điệp gì gửi đến toàn thể cán bộ, công chức nhân Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam?
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Có thể nói, những thành quả trong suốt 77 năm xây dựng và phát triển của ngành Thuế là minh chứng rõ nhất cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó của toàn ngành.
Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ triển khai thực hiện “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý. Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và DN. Đồng thời trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản là thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm này, tôi đề nghị toàn thể cán bộ công chức tiếp tục phấn đấu vượt mọi khó khăn, tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, toàn ngành cần tiếp tục đi đầu trong công cuộc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Với truyền thống 77 năm xây dựng và phát triển, trên nền tảng truyền thống tốt đẹp với rất nhiều mốc son đã gây dựng, tôi tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế sẽ tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo, hăng hái thi đua để đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!