Toan tính đợt IPO khủng tới đây
Từ nay đến cuối năm, TTCK sẽ đón nhận hàng loạt phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các tổng công ty nhà nước.
Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn và có vốn hóa khủng, nên nhiều khả năng dòng tiền trên TTCK sẽ bị rút ra để đẩy vào các đợt IPO này.
Dòng vốn đã sẵn sàng
Những tháng cuối năm 2017, thị trường dồn dập đón nhận hàng loạt kế hoạch IPO của các tổng công ty lớn, như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3).
Theo thống kê, BSR có vốn điều lệ lên đến 35.000 tỷ đồng, được xem là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất được mang ra cổ phần hóa ở thời điểm hiện nay. Các tổng công ty còn lại cũng có vốn điều lệ rất lớn như PV Oil 10.884 tỷ đồng, PV Power 21.774 tỷ đồng, VEAM 13.288 tỷ đồng và Genco 3 là 8.680 tỷ đồng.
Trong quá khứ đã có khá nhiều doanh nghiệp sau IPO tăng giá mạnh, như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), Hãng Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã VJC) hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, mã VPB). Chính vì vậy, những đợt IPO tới đây dự kiến sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT, qua đó một phần dòng vốn trên thị trường niêm yết sẽ bị rút ra để tham gia các đợt IPO mới này, từ đó ảnh hưởng đến nguồn tiền trên TTCK.
Đơn cử như phiên IPO của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Idico). Theo kế hoạch, doanh nghiệp này dự định mang ra đấu giá 55,3 triệu cổ phần với mức giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, có đến 656 NĐT tham gia đấu giá, gồm 582 cá nhân trong nước, 9 NĐTNN, 25 tổ chức trong nước và 40 tổ chức nước ngoài tham gia. Với khối lượng cổ phần đăng ký mua 269,28 triệu cổ phần (gấp 5 lần khối lượng chào bán), đã đẩy giá đấu bình quân lên đến 23.940 đồng/cổ phần (cao hơn 33% so với giá khởi điểm 33%).
Chính vì vậy, mới đây, một CTCK đưa ra tuyên bố sẽ dành một phần vốn để tham gia các đợt IPO sắp tới, vì tiềm năng những doanh nghiệp này không thua kém những doanh nghiệp vừa lên sàn đã thắng lớn. Bên cạnh đó, theo Thông tư 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sau IPO sẽ tự động lên sàn niêm yết UPCoM sau 20 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá.
SAB và BHN tạo động lực cho thị trường
Ngoài những mã có vốn hóa lớn như GAS (PV Gas), VCB (Vietcombank) hay VNM (Vinamilk), thời gian gần đây VN Index chịu tác động mạnh bởi 2 mã CP bia là SAB (Sabeco) và BHN (Habeco). Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), câu chuyện thoái vốn tại 2 doanh nghiệp bia đầu ngành này gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2017 để hoàn thành kế hoạch ngân sách.
Mức giá thoái vốn vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng chính sự không rõ ràng này đã tạo ra cơ hội cho những NĐT tham gia cuộc chơi. Tuy nhiên, lịch sử lại cho thấy SAB và BHN cũng là những cái tên mở đầu cho làn sóng đầu tư vào CP sắp IPO và niêm yết khi 2 mã CP này đã tăng phi mã ngay sau khi chào sàn. Khi đó, NĐT sở hữu CP trước khi niêm yết gần như được bảo đảm một mức sinh lời hấp dẫn trong thời gian ngắn.
Thế nhưng, câu chuyện của CP bia này sẽ khó lặp lại với nhóm CP ngân hàng sắp niêm yết. Trên thị trường OTC, các mã CP ngân hàng có kế hoạch lên sàn từ nay đến cuối năm đã được săn đón với mức giá khá cao. Có thể kể đến trường hợp của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giao dịch trên thị trường OTC với giá 37.000-39.000 đồng/cổ phần (tăng gần 3 lần so với thời điểm đầu năm). Ngoài ra, còn nhiều CP của ngân hàng khác đã có kế hoạch lên sàn nhưng chưa có thời gian cụ thể và đang được giao dịch xung quanh mệnh giá.
Dù vậy, khả năng CP ngân hàng biến động lớn sau khi lên niêm yết không quá lớn vì giá đã được phản ánh trên thị trường OTC. Như trường hợp Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB) chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 14.800 đồng/CP. Trước khi lên sàn, LPB đã có một quá trình tăng giá khá ấn tượng, khi đi từ mức giá trên 6.000 đồng/cổ phần thời điểm cuối năm 2016 lên 13.000-14.000 đồng/cổ phần. Với lượng CP trôi nổi nhiều và mức tăng giá như trên, không khó hiểu khi LPB gặp áp lực chốt lời của các cổ đông, tương tự trường hợp VPB khi chào sàn.
Nhiều khả năng ngay trong quý IV này, thị trường niêm yết sẽ đón nhận nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn sau IPO. Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), các doanh nghiệp vốn hóa lớn mới lên sàn thường có biến động mạnh về giá, nên diễn biến thị trường trong các tháng cuối năm sẽ trở nên khó đoán định hơn khi chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến động ở nhóm CP này.