Tối ưu hóa cơ chế phân cấp quản lý FDI
Những tồn tại, bất cập của cơ chế phân cấp quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hối thúc Chính phủ, các cơ quan chức năng phải xem xét lại cơ chế này, làm sao phát huy hiệu quả trong tình hình mới, nhất là khi Việt Nam đang hướng tới tối ưu hóa lợi ích vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, quá trình thực hiện cơ chế phân cấp thời gian qua cũng đã nảy sinh nhiều bất cập. Tư duy nhiệm kỳ khiến nhiều địa phương chạy đua thu hút đầu tư bằng mọi giá, gây phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, làm mất cân đối nguồn lực.
Chưa kể, việc cấp chứng nhận đầu tư mà không chú ý tới chất lượng, hiệu quả, trong khi lại chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đã được cấp phép, nhưng không triển khai theo đúng tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, cũng có tình trạng việc tiếp xúc, lựa chọn nhà đầu tư chưa thận trọng, nên một số nhà đầu tư dù không đủ năng lực tài chính, nhưng vẫn được cấp chứng nhận đầu tư dự án hàng trăm triệu USD để bán lại, làm méo mó thị trường, sai lệch thông tin và cản trở cơ hội của các nhà đầu tư chân chính… Rồi còn chuyện một số địa phương chưa đủ năng lực thẩm định các dự án lớn, nên đã xảy ra tình trạng cấp phép mà không đảm bảo các điều kiện cần thiết…
Cũng chính vì vậy mà thu hút FDI trong 25 năm qua dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng xét về chất lượng, thì chưa đạt yêu cầu và cũng chưa được như kỳ vọng.
Phải làm gì đây khi Việt Nam đang nhìn lại 25 năm thu hút FDI đã qua và hướng tới giai đoạn mới, với mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI? Một điều hiển nhiên là, cơ chế phân cấp cần tiếp tục được thực hiện, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia trong thu hút FDI, thì cần tiến hành điều tra, nghiên cứu với thái độ khách quan, khoa học kết quả và vấn đề thực hiện chủ trương phân cấp toàn diện cho chính quyền tỉnh, thành phố từ năm 2006 để có phương án điều chỉnh hợp lý, vừa phát huy được tính sáng tạo của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất luật pháp, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước.
Giữ nguyên như hiện nay hay thu hẹp việc phân cấp? Có nên “cào bằng” chuyện phân cấp hay không, hay nên có cơ chế đặc thù hơn cho các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM? Một khía cạnh khác cũng cần lưu tâm, ấy là với những dự án lớn, có tính chất liên vùng, ở tầm quốc gia, thì một địa phương đơn lẻ có thể được tự quyết hay không, hay tốt nhất phải để các cơ quan Trung ương quyết định?...