Tồn kho hơn 22.200 tỷ đồng giá trị căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản.

Tồn kho hơn 22.200 tỷ đồng giá trị căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh
Các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng do thiếu vốn đầu tư. Nguồn: internet
Theo nguồn tin từ UBND TP. Hồ Chí Minh, đến nay, trên địa bàn Thành phố vẫn còn khoảng 12.447/14.490 căn hộ tồn kho, với giá trị tồn kho khoảng 22.246 tỷ đồng.

Trong đó, có 3.935 căn chung cư đã hoàn thành với giá trị khoảng 8.831 tỷ đồng; 8.512 căn chung cư đang xây dựng dở dang với giá trị khoảng 12.414 tỷ đồng.

UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, phần lớn các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng do thiếu vốn đầu tư và thị trường bất động sản đóng băng, thanh khoản kém.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 1.375 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích gần 9.313 ha. Trong đó, 152 dự án đang xây dựng với diện tích đất 874,24 ha, diện tích sàn xây dựng 3.368.701 m2; 399 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích 1.500 ha, tổng diện tích sàn xây dựng 5.331.700 m2; 201 dự án, tương đương 720,25 ha đang trong cập nhật thông tin.

Đặc biệt, có 78 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư với gần 1.053 ha, và 545 dự án với hơn 5.201 ha đang phải ngưng triển khai đầu tư xây dựng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại TP. Hồ Chí Minh, các dự án nhà ở giá thấp có lượng giao dịch tăng hơn so với trước. Các chủ đầu tư và người mua đang tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết từ trước và thực hiện bàn giao nhà, cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường sôi động hơn. Người mua nhà đã bắt đầu tham khảo giá và xem xét việc mua nhà, phân khúc căn hộ dưới 1 tỷ đồng đang được khách hàng quan tâm.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND Thành phố kiến nghị: trước mắt, với các doanh nghiệp đã thỏa thuận bồi thường nhưng chưa đóng tiền sử dụng đất hoặc còn nợ tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể việc khấu trừ các chi phí hợp lý của doanh nghiệp để tránh tình trạng phải nộp tiền sử dụng đất “gần như hai lần” như hiện nay.

Về lâu dài, đề nghị nghiên cứu, bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” thay bằng sắc thuế với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, dễ tính toán vừa loại trừ được cơ chế xin - cho.

Đề nghị miễn 100% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội.

Kiến nghị cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án sau khi đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, đã được giao đất, nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước và dự án được phê duyệt. Đơn vị nhận chuyển nhượng dự án có trách nhiệm thực hiện đúng quy hoạch và nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

Đề nghị cho phép thế chấp bất động sản bằng quyền sử dụng đất ở ngân hàng nước ngoài để giải quyết vướng mắc hiện nay trong việc hợp tác kinh doanh và nhận nguồn vốn đầu tư bất động sản với đối tác nước ngoài.