Tổng Công ty Bảo Hiểm Bảo Việt khẩn trương triển khai bồi thường cho những thiệt hại sau lũ tại các tỉnh miền Trung

PV.

Trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung diễn biến liên tiếp, dữ dội, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân các tỉnh này. Phát huy tấm lòng "tương thân tương ái" giàu tình cảm tốt đẹp của dân tộc, cán bộ trong toàn hệ thống Bảo Việt đã quyên góp ít nhất mỗi người một ngày lương với tổng giá trị là một tỷ đồng, để chung tay cùng cả nước, hỗ trợ các nạn nhân bị thiệt hại tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế.

 Theo thông tin từ Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt - đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp đã và đang khẩn trương nắm bắt tình hình thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm, để giải quyết chi trả bồi thường sớm nhất cho người và đối tượng bị thiệt hại, chung tay góp phần tổ chức lại sản xuất kinh doanh và cuộc sống sau lũ.

Trở lại câu chuyện đầy xúc động và thương tâm xảy ra đối với xe khách mang biển kiểm soát 48K - 5868 bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh làm 20 hành khách bị thiệt mạng. Ngay sau khi xác định xe 48K - 5868 đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự, vật chất, lái phụ xe và hành khách ngồi trên xe tại Bảo Việt, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã cử một đoàn công tác gồm cán bộ Trụ sở chính, Công ty Bảo Việt Hà Tĩnh và Công ty Bảo Việt Đắc Lắc - đơn vị cấp đơn bảo hiểm cho xe khách nói trên, tích cực cùng chủ xe tham gia các công việc ban đầu tìm kiếm, cứu trợ, tập hợp đầy đủ thông tin để nhanh chóng bồi thường đầy đủ cho những thiệt hại về người và tài sản tai nạn gây ra. Đồng thời, Bảo Hiểm Bảo Việt đã ứng trước trước cho gia đình các nạn nhân là 25 triệu đ/người. Các chi phí về cứu hộ, bồi thường và hỗ trợ khác, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ cùng chủ xe phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan giải quyết khẩn trương. Ước tính riêng vụ này, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ chi trả bồi thường khoảng gần 2,5 tỷ đồng.

Cũng trong trận lũ lụt đầu tháng 10 này, sự cố tràn đập thủy điện Hố Hô không chỉ khiến hàng chục nghìn người dân Hà Tĩnh như ngồi trên lửa vì nỗi lo vỡ đập, mà còn khiến chủ đầu tư thiệt hại nặng nề khi cả nhà máy thủy điện Hố Hô bị ngập trong biển nước.

Dự án nhà máy thủy điện Hố Hô do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Điện miền Bắc 1 làm chủ đầu tư, tham gia bảo hiểm mọi rủi ro về xây dựng, lắp đặt và trách nhiệm đối với bên thứ ba tại Bảo Hiểm Bảo Việt. Thời hạn được bảo hiểm là từ 15/6/2005 cho tới khi công trình được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và 12 tháng bảo hành mở rộng tiếp sau đó. Tổng giá trị được bảo hiểm lên tới trên 205 tỷ đồng với giới hạn trách nhiệm đối với bên thứ ba là 3 tỷ đồng cho một sự cố.

Được biết cơn lũ xảy ra ngày 2/10/2010 diễn biến quá nhanh nên chủ đầu tư không kịp trở tay. Theo kết quả giám định ban đầu của Công ty Giám định Crawford - đơn vị được Bảo hiểm Bảo Việt chỉ định thực hiện việc giám định tổn thất tại công trình Thủy điện Hố Hô, thì phần xây dựng bị thiệt hại bao gồm: neo gia cố vai đập (bên trái và bên phải) bị xói / mất một số (chưa thống kê được đầy đủ); Gia cố bờ trái (phần bê tông, rọ đá) có khả năng bị tổn thất nhưng ở thời điểm giám định do nước ngập nên chưa kiểm tra được. Về phần máy móc thiết bị, toàn bộ tủ điều khiển thiết bị, buồng điều khiển trung tâm, buồng phân phối, tua bin / máy phát bị ngập nước và ảnh hưởng bởi đất đá.

Trên thực tế, một số hạng mục thuộc dự án Thủy điện Hố Hô đã được đưa vào sử dụng liên quan đến tổ máy số 2. Các hạng mục đưa vào sử dụng này được bảo hiểm bởi một doanh nghiệp bảo hiểm khác - ngoài hệ thống Bảo Việt. Tổng giá trị thiệt hại ước tính đối với Công trình Thủy điện Hố Hô sau 02 đợt lũ đầu tháng 10/2010 - liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng do Bảo hiểm Bảo Việt cấp - là khoảng trên 10 tỷ đồng.

Hiện Bảo Hiểm Bảo Việt đã hướng dẫn chủ đầu tư bảo quản các hạng mục bị hư hỏng để tránh xảy ra tổn thất tiếp theo, phục vụ công tác giám định được hoàn tất và hỗ trợ việc thanh toán chi trả bồi thường thiệt hại đảm bảo quyền lợi của người được bảo hiểm.

Dẫu sao, niềm an ủi không nhỏ đối với chủ đầu tư công trình thủy điện này đó là đập Hố Hô không vỡ. Bởi nếu tình huống xấu nhất xảy ra không chỉ có nhà máy, mà hàng chục nghìn người dân ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh), Hương Hoá, Tuyên Hoá (Quảng Bình) cũng sẽ bị lũ nhấn chìm.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết, Tổng Công ty đang khẩn trương cùng các đơn vị, cơ quan, ban ngành chung tay khắc phục thiệt hại sau lũ tại các tỉnh miền Trung và đồng thời tổng hợp số liệu tổn thất được bảo hiểm với số chi trả bồi thường ước tính gần 100 tỷ đồng cho các tổn thất lớn, nhỏ.