Tổng kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hoạt động các kho ngoại quan


Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định số 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Tổng kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hoạt động các kho ngoại quan.
Tổng kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hoạt động các kho ngoại quan.

Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay các quy định pháp luật và quy trình nghiệp vụ về công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan cơ bản đã đầy đủ, các đơn vị trong toàn ngành Hải quan đã chủ động, tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan, phòng chống thẩm lậu, buôn lậu, gian lận thương mại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý đối với các kho ngoại quan.

6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan đã triển khai kiểm tra 2 chuyên đề về “Vận chuyển độc lập” và “Kho ngoại quan”. Kết quả cho thấy một số kho ngoại quan không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP; có sự chênh lệch số lượng tồn kho thực tế với số lượng trên sổ sách báo cáo; một số hàng hóa không thuộc đối tượng gửi kho ngoại quan... Cơ quan Hải quan cũng phát hiện nhiều bất cập trong nội dung báo cáo nhập – xuất – tồn kho ngoại quan…

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan Hải quan nhận thấy, một số doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan có hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng đối với loại hình kho ngoại quan để buôn lậu, gian lận thương mại với các hành vi phổ biến, như: Không khai hoặc khai không đúng tên hàng, mã số hàng hoá (mã HS), số lượng, khối lượng hàng hóa… để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, gian lận tiền thuế, trốn tránh các quy định về chính sách quản lý hàng hoá…

Có trường hợp, doanh nghiệp không khai báo để đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được phép gửi kho ngoại quan, lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để tạm nhập - tái xuất hàng hóa, né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập - tái xuất.

Đồng thời, còn hiện tượng các doanh nghiệp tiến hành vận chuyển hàng hoá không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan nhưng thực tế không đưa hàng vào kho.

Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo công tác quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo Cục hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá tình hình hoạt động các kho ngoại quan trên địa bàn quản lý.

Sau rà soát, nếu phát hiện có hành vi vi phạm sẽ đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định số 68/2016/NĐ-CP; Đồng thời, đánh giá khó khăn, kiến nghị giải pháp quản lý kho ngoại quan trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, trong đó chú trọng việc phối hợp giữa các đơn vị hải quan trong kiểm soát quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa.

Các đơn vị chức năng cũng sẽ tiến hành xác định một số lô hàng trọng điểm để tiến hành kiểm tra thực tế, kiểm tra đột xuất sổ sách và hệ thống quản lý kho ngoại quan để đánh giá tuân thủ. Đồng thời, tăng cường áp dụng giám sát hải quan bằng niêm phong, thiết bị định vị GPS, hệ thống camera… và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.

Tổng cục Hải quan cũng giao Cục Giám sát quản lý về hải quan nghiên cứu, đề xuất đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC các nội dung cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến quy trình quản lý đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ từ khi hàng hóa được phê duyệt vận chuyển để gửi vào kho cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan, xác nhận thực xuất, trong đó tập trung vào các nội dung chính, như: Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan đều phải đăng ký tờ khai hải quan, việc khai báo phải đảm bảo đầy đủ thông tin từng dòng hàng, chi tiết tên hàng, mã số HS, chủng loại, số lượng.

Quy định cụ thể các yêu cầu, biện pháp giám sát hải quan đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển như: Niêm phong, đánh dấu, chụp ảnh, ghi hình, thiết bị định vị GPS, seal điện tử, camera hành trình…

Quy định rõ thủ tục xác nhận thực xuất đảm bảo tính khả thi, phân định rõ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ trong các trường hợp một lô hàng được xuất nhiều lần, thay đổi cửa khẩu xuất hoặc đề nghị đưa trở lại kho ngoại quan.

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý rủi ro, điều tra chống buôn lậu đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, bố trí trang thiết bị phục vụ giám sát hải quan.