Thuận lợi cho doanh nghiệp nhờ cải cách, hiện đại hóa Hải quan


Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, thời gian qua, ngành Hải quan luôn chủ động, quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, góp phần xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan đã tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ. Nguồn: internet
Tổng cục Hải quan đã tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ. Nguồn: internet

Hiện đại hóa trong nghiệp vụ hải quan

Thời gian qua, ngành Hải quan đã quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan. Trong đó, thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện tại tất cả các cấp hải quan thông qua các hệ thống Hệ thống thông quan tự động (VNACSS/VCIS).

Cùng với đó, ngành Hải quan đã triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan; vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển; triển khai hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM) tại 29/35 Cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ứng dụng CNTT trong kiểm soát hải quan, Tổng cục Hải quan đã tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, triển thực hiện có hiệu quả Trung tâm chỉ huy trực tuyến tại Tổng cục Hải quan, duy trì triển khai hoạt động trực ban, giám sát trực tuyến trong toàn ngành Hải quan; kết nối hệ thống camera giám sát tại phòng giám sát trực tuyến tới các cửa khẩu đảm bảo công tác chỉ huy của Tổng cục và giám sát, thường xuyên, liên tục 24/7...

Nhờ đó, đã kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy nghiêm trọng, phức tạp, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội. 

Mở rộng triển khai một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

Với vai trò giúp việc cho Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan thường xuyên đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Tính đến ngày 15/6/2019, đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối, 173 thủ tục hành chính (TTHC) được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên trên 2,2 triệu bộ hồ sơ cùng trên 30,3 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Tổng cục Hải quan cũng tích cực phối hợp với Bộ Công Thương triển khai Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei). Đến hết ngày 15/6/2019, tổng số C/O gửi từ Việt Nam sang các nước ASEAN là 147.444 C/O và nhận từ các nước ASEAN về Việt Nam là 83.401C/O.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cùng với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan đã bãi bỏ 01 TTHC, đơn giản hóa 02 TTHC liên quan đến đại lý hải quan; đề xuất đơn giản hóa 07 TTHC liên quan đến cửa hàng miễn thuế, kho, bãi và địa điểm kiểm tra.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2019, ngành Hải quan đã thực hiện cắt giảm 05 điều kiện và đơn giản hóa 14 điều kiện trên tổng số 29 điều kiện đầu tư, kinh doanh; giảm 29 thành phần hồ sơ trên tổng số 52 thành phần hồ của thủ tục công nhận cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm.

Những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan thời gian qua đã góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời, bảo đảm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu hiệu quả, đúng quy định.