Tổng tài sản khối ngân hàng cổ phần tư nhân vượt khối quốc doanh
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 8/2020, cho thấy tổng tài sản của khối ngân hàng cổ phần tư nhân đã vượt khối quốc doanh.
Theo đó, tính đến cuối tháng 8/2020, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 12,93 triệu tỷ đồng, tăng 52,1% so với cuối năm 2016.
Đáng chú ý, tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại cổ phần đã vượt tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV).
Cụ thể, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đến cuối tháng 8/2020 đã lên tới 5.467,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,3% toàn hệ thống, tăng 59,7% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, tổng tài sản của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 5.334,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,3% toàn hệ thống, tăng 40,2% so với cuối năm 2016.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng cho thấy, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 1.007,7 nghìn tỷ đồng, tăng 69,4% so với cuối năm 2016.
Các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ từ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm 3 ngân hàng thương mại mua bắt buộc) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại nhà nước, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.
Nhờ đó, đến cuối tháng 8/2020, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đạt 145,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,1% toàn hệ thống, tăng 6,3% so với cuối năm 2016.
Trong khi đó, vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần đạt 290,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,1% toàn hệ thống, tăng 44,4% so với cuối năm 2016.
Có thể thấy, các ngân hàng thương mại cổ phần liên tục lên kế hoạch và thực hiện thành công tăng vốn, còn các ngân hàng thương mại nhà nước gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn do các phương án cần sự phê duyệt của nhiều cấp thẩm quyền hơn. Chính vì vậy, nhiều năm qua, vốn điều lệ của VietinBank và Agribank vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP theo hướng mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Đây là cơ sở pháp lý cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh được tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn nhà nước.
Thông tin này được thị trường tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước đặc biệt quan tâm và ngóng đợi suốt 2 năm qua.
Đại diện VietinBank cho biết, việc tăng vốn điều lệ là điều kiện "đủ" để VietinBank đảm bảo yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo chuẩn mực Basel II: có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản, trong đó có tăng trưởng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.
Hiện, VietinBank đang khẩn trương thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ trong thời gian sớm nhất.