Tổng thầu Nga chưa chốt chi phí dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận
(Tài chính) Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom - ông Vyacheslav Pershukov cho biết chi phí trung bình cho mỗi kWh điện hạt nhân là 5.000 USD, trong khi công suất của nhà máy tại Việt Nam là khoảng 2.000 MWh.
Thông tin về tiến độ cũng như các vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I vừa được lãnh đạo Tập đoàn năng lượng nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) - tổng thầu xây dựng chia sẻ với báo giới sau buổi họp với Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 3/2.
Theo đại diện phía Nga, từ năm 2013 Rosatom đã giới thiệu 2 công nghệ lò phản ứng VVER phiên bản AES-92 và AES-2006 để Việt Nam có cơ sở đánh giá, lựa chọn. Đến nay, tuy chưa có văn bản chính thức song từ trao đổi giữa các chuyên gia, phía Nga nhận thấy các ý kiến đang nghiêng về phiên bản thứ hai.
Về thông tin tổng mức đầu tư dự án tăng lên 10 tỷ USD cao hơn so với con số dự kiến 200.000 tỷ đồng tại thời điểm lập dự án (quý IV/2008). Đại diện Rosatom cho biết có nhận được báo cáo, song vị này cho rằng con số cuối cùng chỉ có thể đánh giá chính xác sau khi thực hiện xong khâu thiết kế.
Theo kinh nghiệm xây dựng nhiều dự án hạt nhân tại Nga và một số quốc gia khác, ông V.Pershukov cho biết, chi phí bình quân của các nhà máy nguyên tử hiện ở mức 5.000 USD cho một kWh công suất. "Nếu so với con số 10 tỷ USD cho một nhà máy khoảng 2.000 MWh thì tỷ lệ này là quá cao", ông nói. Đại diện Rosatom cũng cho rằng tổng mức đầu tư cuối cùng hoàn toàn phụ thuộc địa điểm xây dựng, điều kiện vật lý, tỷ lệ nội địa hóa cũng như chênh lệch tỷ giá. Ngay cả tổng mức chi phí được đưa ra từ trước đến nay vẫn chỉ là sơ bộ.
Đề cập đến thời gian khởi công, theo lãnh đạo tập đoàn hạt nhân của Nga, Việt Nam là chủ đầu tư, nên có toàn quyền quyết định việc thời điểm xây dựng và hoàn thành. "Kể cả Việt Nam có tiếp tục thay đổi kế hoạch xây dựng dự án thì phía Nga hoàn toàn tuân theo", vị này nói.
Trước lo lắng về vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân, ông V. Pershukov khẳng định đây nguyên tắc đầu tiên của Rosatom và các phiên bản lò phản ứng của đơn vị này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí he mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) đưa ra.
Trước đó, trong 2 ngày (2-3/2) khóa họp thứ VII - Ủy ban điều phối hợp tác năng lượng nguyên tử Việt Nam - Liên bang Nga đã tập trung bàn thảo một số nội dung về hành lang pháp lý trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Biên bản ghi nhớ về hợp tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực nguyên tử giai đoạn 2015-2020 cũng đã được ký giữa Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Việt Thanh và ông V. Pershukov. Theo đó, thời gian tới Việt Nam và Nga phối hợp chặt chẽ kế hoạch truyền thông, biên soạn tài liệu, công tác đào tạo và tổ chức các triển lãm, hội thảo thăm quan nâng cao hiểu biết cho công chúng về lĩnh vực hạt nhân.
Dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2009, gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW đặt tại Ninh Thuận. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào năm 2014 và bắt đầu phát điện năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm khởi công đã phải lùi lại để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Hồi tháng 9/2014 UBND tỉnh Ninh Thuận đã báo cáo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về cơ chế chính sách đặc thù đối với tiến độ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, nếu không áp dụng cơ chế đặc thù thì dự án Ninh Thuận I sẽ khởi công vào cuối năm 2022 và hoàn thành vào năm 2028; điện hạt nhân Ninh Thuận II sẽ hoàn thành vào năm 2029. Việc áp dụng cơ chế đặc thù cho hai dự án sẽ giúp thời gian khởi công hai nhà máy rút ngắn được hơn 2 năm.