Top 3 xu hướng của ngành bất động sản hậu COVID-19
Năm 2022 sẽ là năm khởi đầu cho một chu kỳ mới với ngành bất động sản (BĐS). Theo đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng và lập kế hoạch phù hợp để giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Phương pháp tiếp cận kỹ thuật số ngày càng phổ biến
Sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra đã thúc đẩy quá trình số hóa trên các lĩnh vực, bao gồm cả ngành bất động sản để đảm bảo nhu cầu tiếp tục. Với tác động của số hóa, thị trường bất động sản sẽ điều chỉnh trong hầu hết các quy trình từ giao dịch, triển khai vốn, quản lý tài sản, các chuyến tham quan ảo, hay thậm chí là các mô hình tiêu dùng.
Kết quả khảo sát với doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report cho thấy, hiện tại chỉ có một số ít doanh nghiệp bất động sản áp dụng các giải pháp kỹ thuật số như công cụ trí tuệ nhân tạo, máy học, điện toán đám mây, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)...
Bước sang năm 2022 và trong những năm tới, số hóa và các hoạt động như tham quan ảo, giao dịch kỹ thuật số sẽ trở nên phổ biến hơn trong toàn ngành, cùng với đó là những đổi mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) để thúc đẩy thêm những cơ hội và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Một số kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, có 22,96% người đã từng sử dụng các app môi giới và sẽ tiếp tục sử dụng, còn trong cuộc khảo sát vào tháng 2/2022, con số này đã lên 27,4%.
Với thực tế ảo (VR) và mô hình 3D, người tiêu dùng có thể xem các tài sản mà không cần đặt chân vào chúng. Chúng giúp cho người mua có thể hiểu được diện mạo của bất động sản trước khi hoàn thành. Và khách hàng có thể chọn nhà của mình từ bất kỳ đâu trên thế giới dù đang đi nghỉ hay đi công tác. Vì vậy, các tour du lịch ảo là một trong những xu hướng kỹ thuật số đột phá gần đây trong lĩnh vực bất động sản.
Các giải pháp trợ lý ảo do AI hỗ trợ, trong đó khách hàng tương tác với robot nói như con người. Trợ lý này có thể kết nối các khách hàng tiềm năng đã có với một đại lý bất động sản để thảo luận sâu hơn về các vấn đề bất động sản, tạo ra sự thuận tiện rất lớn cho khách hàng trong đại dịch.
Gia tăng nhu cầu đối với cơ sở hạ tầng thông minh
Số hóa cũng vẫn là một yếu tố quyết định đến thị trường bất động sản, với tác động đặc biệt đến các dự án trong tương lai. Trên 85% khách hàng trong khảo sát của Vietnam Report cho biết, họ sẵn sàng sống trong các ngôi nhà thông minh và các nhà phát triển dự án trong tương lai sẽ phải xem xét các yêu cầu của cơ sở hạ tầng thông minh như điểm sạc cho ô tô, quản lý năng lượng thông minh.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra những ứng dụng nhà thông minh được nhiều khách hàng quan tâm nhất đó là: Kiểm soát an ninh (79%); dọn dẹp thông minh (75,8%); chiếu sáng thông minh (64,5%); hệ thống quản lý năng lượng (45,2%).
Nhu cầu cơ sở hạ tầng thông minh không chỉ tăng trong lĩnh vực nhà ở mà còn trong phân khúc khác của thị trường bất động sản. Như đối với phân khúc văn phòng cho thuê, khách hàng có xu hướng ưu tiên lựa chọn các tòa nhà mới hơn với hệ thống thông gió tốt hơn, mặt bằng được bố trí linh hoạt hơn với các tiện nghi hiện đại như hệ thống cảm ứng. Tất cả nhằm đảm bảo tính an toàn về mặt giãn cách xã hội, kiểm soát tần suất xuất hiện của nhân viên, cũng như tính hiệu quả của việc vận hành văn phòng.
Vì vậy, bên cạnh việc điều chỉnh không gian vật lý để phù hợp với xu hướng làm việc linh hoạt ở nhà và văn phòng cũng như các yêu cầu về sức khỏe và an toàn, các công ty bất động sản thương mại nói riêng có thể sẽ cần đầu tư vào các công cụ và công nghệ thúc đẩy sức khỏe tinh thần và cảm xúc của nhân viên sau khủng hoảng.
Với trình độ sản xuất, trình độ phát triển được nâng cao, nhất là khi yêu cầu triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh đã đặt ra những yêu cầu trong xây dựng mô hình khu công nghiệp mới.
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 381 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng phần lớn là khu công nghiệp cũ đang tồn tại những bất cập về kết cấu hạ tầng, không đáp ứng được nhu cầu về nơi ở chất lượng, điều kiện vui chơi giải trí cho đội ngũ lao động, chuyên gia. Theo đó, mô hình khu công nghiệp đa năng, hiện đại với hệ thống tiện ích đồng bộ cũng sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới.
Bất động sản bền vững là sự lựa chọn mới
Trong vài năm qua, người tiêu dùng ngày càng có ý thức về lượng khí thải carbon của họ. Người tiêu dùng thời đại mới ngày nay có ý thức về lựa chọn lối sống của họ và hướng tới cuộc sống bền vững.
Theo báo cáo “Tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam năm 2022”, nhu cầu sở hữu bất động sản của người Việt Nam rất cao, nhất là sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trong khảo sát đưa ra thông tin rằng 61% người được khảo sát mong muốn sở hữu bất động sản có không gian xanh, sân vườn.
Bên cạnh đó, 45% đang muốn chuyển ra ngoại ô, khu vực ít đông đúc hơn. Các yếu tố hàng đầu mà người mua bất động sản tìm kiếm là: Có khu vui chơi hoặc khu học tập cho trẻ em, gần cây xanh, thuận tiện về giao thông công cộng.
Có thể nói, dù bất động sản thành phố vẫn là xu thế chủ yếu, tuy nhiên, bên cạnh đó, người dùng có xu hướng tìm về ngoại ô với không gian xanh, đầy đủ tiện ích thông minh. Sở dĩ như vậy là do mọi người có ý thức hơn về sức khỏe, khắt khe hơn trong việc lựa chọn môi trường sống sau khi nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình hình dịch bệnh và thiên tai tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, bất động sản xanh và marketing xanh hẳn sẽ xu thế không thể thiếu trong thời gian tới.
Đặc biệt sau cam kết của Thủ tướng chính phủ trong COP26, nhiều doanh nghiệp bắt đầu để tâm hơn về bất động sản xanh. Chỉ cần nhấn tìm kiếm từ khóa “bất động sản xanh” sẽ có đến hàng trăm triệu kết quả, nhiều gấp đôi so với thời gian vài tháng trước. Đây là một trong nhiều tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư, chủ đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
Trong chiến lược phát triển bền vững của mình, doanh nghiệp cũng đang ưu tiên lựa chọn văn phòng, khu công nghiệp sinh thái phải xanh, sạch, giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp.
Theo đó, các nhà phát triển đang thực hiện nhiều sáng kiến và áp dụng các phương pháp xây dựng xanh như quản lý chất thải rắn, tái chế nước, thu hoạch nước mưa, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thiết kế hiệu quả nhằm tối ưu hóa thông gió tự nhiên và đảm bảo cơ sở hạ tầng xanh trong các khu nhà của họ. Mặc dù những giải pháp như vậy đã trở thành chuẩn mực cách đây một thời gian, nhưng năm 2022 dự kiến sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa các quy trình xây dựng thân thiện với môi trường như vậy.
Tại buổi hội thảo trực tuyến: “Xu hướng Marketing xanh trong Bất động sản hậu COVID-19”, ông Trịnh Tùng Bách - Phó Tổng giám đốc Sen Vàng Group, Sáng lập Công ty Cổ phần Sản xuất và xây dựng GBS Việt Nam nhấn mạnh: “Cân bằng chi phí đầu tư và cách thức đo lường năng lượng tiêu thụ sẽ là hai vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm. Một số khác không có nhu cầu đầu tư mới, hoặc cải tạo bất động sản sẽ tập trung vào việc mua lại những cái dự án đã đạt một số tiêu chuẩn nhất định”.
Cũng theo ông Trịnh Tùng Bách, dù các dự án xanh bền vững, tiết kiệm tài nguyên đều mang tính quan trọng nhưng phần lớn các chủ đầu tư khi nhìn vào công trình xanh chỉ tính toán chi phí đầu tư ban đầu, mà không nghĩ đến những lợi ích lâu dài. Bởi, thường khi bán một công trình xanh, chi phí ban đầu là chủ đầu tư phải bỏ ra; trong khi lợi ích về mặt vận hành như giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, hay cải thiện về sức khỏe đời sống thì thuộc về người sử dụng.
Từ các nghiên cứu và bài học thực tế tại Việt Nam đều cho thấy, chỉ cần tăng 1 - 3% vào đầu tư ban đầu, thậm chí nếu tiếp cận đúng cách, công trình xanh còn không làm đội chi phí đầu tư. Bên cạnh đó năng lượng và nước tiết kiệm được trong quá trình sử dụng của một công trình có thể lên tới 20 - 40% và chỉ mất 1 - 2 năm để “thu hồi vốn”. Từ đó, người sử dụng cũng như xã hội nói chung sẽ được lợi ích lâu dài trong cả vòng đời 50 - 100 năm của công trình.
Còn ông Phạm Minh Toàn, Founder & CEO Time Universal nhận định: “Bất động sản xanh sẽ là mối quan tâm của thế hệ gen Y và gen Z trong tương lai. Thế hệ trước cũng thích bất động sản xanh nhưng cái xanh ấy là màu xanh của cây cối, thiên nhiên, không khí an lành, tạo cảm giác an nhàn. Họ ít tập trung vào các vật liệu thân thiện với môi trường hơn so với thế hệ gen Y và gen Z. Điều này sẽ góp phần giúp cho các chủ đầu tư tạo ra ý tưởng chiến dịch marketing phù hợp với từng đối tượng một”.
Ông Toàn phân tích thêm, marketing xanh thực tế đã có từ lâu trên thế giới đã được nhiều nhãn hàng lớn ứng dụng triển khai, tuy nhiên ở Việt Nam nó mới đang bắt đầu và chắc chắc sẽ trở thành xu hướng dẫn dắt vì người tiêu dùng ngày nay đều hướng tới tiêu dùng xanh, thông minh.
Tiêu biểu như chiến lược marketing xanh được Toyota áp dụng rất lâu từ trước. Họ đồng bộ từ khâu thiết kế, sáng tạo sản phẩm, đến sản xuất, phân phối và truyền thông, làm xanh mình một cách toàn diện, áp dụng các hệ thống sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải.
Hay như trong vài năm trở lại đây, phong trào Zero Waste diễn ra ở khắp mọi nơi. Rất nhiều doanh nghiệp, chuỗi hàng ăn, nhà hàng, quán cafe đã triển khai sử dụng ống hút giấy, ống hút gỗ, ống hút kim loạ… giảm thiểu tối đa việc sử dụng plastic. Điều này nhận được sự quan tâm rất lớn từ đối tượng gen Y và gen Z - thế hệ đóng vai trò chủ chốt trong mọi lĩnh vực trong khoảng thời gian 5 - 10 năm tới.
Và marketing xanh sẽ không chỉ dừng ở những lĩnh vực đó, mà trong tương lai gần, đó sẽ là một làn gió mới trong lĩnh vực bất động sản. Bởi lẽ theo ông Toàn, với bất động sản thì marketing xanh ngày càng liên hệ mật thiết vì người dùng luôn muốn sống trong 1 không gian xanh nên về mặt liên kết tới thiết kế sản phẩm xanh là rất rõ ràng.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai bán hàng và vận hành sau này của các dự án bất động sản, việc sử dụng marketing xanh sẽ giúp các chủ đầu tư tạo ra được các giá trị bền vững của riêng mình, từ đó thu hút khách hàng và có thể gia tăng được lợi nhuận.