Top 5 nước chịu tác động xấu nhất khi lãi suất tăng
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global vừa thay đổi danh sách các nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong môi trường lãi suất ngày càng tăng.
Theo CNBC, sau nhiều năm theo đuổi chính sách tiền tệ lỏng lẻo sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện bắt đầu đảo ngược chương trình nới lỏng định lượng (QE). Một số nước thậm chí còn tăng lãi suất chuẩn.
S&P Global vừa nhận định Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Pakistan, Ai Cập và Qatar là 5 nước “dễ bị tổn thương”, là 5 nền kinh tế mới nổi sẽ chịu áp lực lớn nhất trước chính sách tiền tệ mới của các quốc gia phát triển.
Giám đốc Moritz Kraemer của S&P Global cho hay, điều kiện tiền tệ hiện thời đang rất dễ chịu, với một số thị trường mới nổi, môi trường lúc này là những ngày tốt nhất. Dù vậy, mối đe dọa từ việc thắt chặt tiền tệ ngày càng nổi lên rõ hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng làm tương tự. Đây là năm đầu tiên BOE tăng lãi suất kể từ năm 2007.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tuyên bố giảm mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp từ năm sau.
Chính sách tiền tệ chặt hơn gây nhiều rủi ro cho các nền kinh tế mới nổi. Trước hết, nó làm tăng chi phí đi vay của các nước mới nổi vì USD thường tăng giá khi lãi suất tăng, và các nước mới nổi vay mượn bằng USD. Thứ nhì, lãi suất tăng khiến giới đầu tư Mỹ đổ tiền về quê nhà với kỳ vọng hưởng lợi tức cao hơn.
Theo đánh giá của S&P Global, Thổ Nhĩ Kỳ là nước dễ chịu tổn thương nhất. Hồi năm 2015, Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ là top 5 nước dễ chịu tác động xấu nhiều nhất trong môi trường lãi suất tăng.