TP. Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mong muốn Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, biện pháp phấn đấu tăng thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

TP. Hà Nội đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách của cả nước

Phát biểu tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác tài chính chiều ngày 4/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ, giám sát của Hội đồng nhân dân cùng sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân Thành phố đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển kính tế - xã hội, công tác quản lý tài chính - ngân sách.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GRDP) hàng năm của Thành phố trong giai đoạn 2016-2020 duy trì ở mức cao và luôn cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước. Năm 2016, mức tăng của Hà Nội đạt 7,16% (cả nước tăng 6,21%), năm 2017 đạt 7,37% (6,71%), năm 2018 đạt 7,46% (7,08%), năm 2019 đạt 7,63% (7,02%), năm 2020 dự kiến đạt 3,77% (2,5-3%).

Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của TP. Hà Nội tăng bình quân 8,7%/năm. Thu ngân sách nhà nước của Thành phố đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước; trong đó thu nội địa (không kể dầu thô) của Thành phố chiếm 21% tổng thu nội địa cả nước. Tốc độ tăng thu hàng năm và cơ cấu thu nội địa của Hà Nội khá bền vững.

Do thu ngân sách giữ được tốc độ tăng trưởng khá, nên Thành phố có nguồn để bố trí các nhiệm vụ chi. Trong đó, chi đầu tư chiếm tỷ trọng 40,8% (cả nước đạt 26,8%), góp phần đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Thành phố để hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính. Thành phố cũng đã có sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với hoạt động của các cơ quan thuộc Bộ Tài chính trên địa bàn, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị này nói riêng và Bộ Tài chính nói chung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong giai đoạn vừa qua.

Tiếp tục quyết liệt các giải pháp, biện pháp phấn đấu tăng thu

Bước vào năm 2020, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng TP. Hà Nội đã chủ động và có các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện và đạt kết quả khá tích cực. Thu ngân sách nhà nước thực hiện 11 tháng đầu năm 2020 đạt 80% (cả nước 83,1%); Chi ngân sách địa phương 11 tháng đạt 64% (cả nước 78,4%) dự toán. Theo đánh giá, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước cả năm 2020 của Thành phố đạt 91% (cả nước 93-95%) dự toán.

Cho rằng thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều nhưng không quá ngắn, Bộ trưởng mong muốn Thành uỷ, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, biện pháp phấn đấu tăng thu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường, tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo cơ sở thu cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Thành phố xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch tài chính 05 năm Thành phố phù hợp với định hướng chung của Kế hoạch tài chính 05 năm Quốc gia giai đoạn 2021-2025; từng bước cơ cấu chi ngân sách theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Trong đó, cần khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội.

Thu ngân sách nhà nước của Thành phố đóng góp khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước của cả nước; trong đó thu nội địa (không kể dầu thô) của Thành phố chiếm 21% tổng thu nội địa cả nước. Tốc độ tăng thu hàng năm và cơ cấu thu nội địa của Hà Nội khá bền vững.

Hà Nội cần tiếp tục đổi mới khu vực sự nghiệp công, tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp gắn với lộ trình điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, giảm dần số lượng đối tượng viên chức hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá dịch vụ công ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện.

Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để chủ động hội nhập; có cơ chế giám sát, ngăn chặn kịp thời những sai phạm về tài chính của doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp giảm chi phí, hạ giá thành.

Thành ủy, UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả trên địa bàn. Tập trung theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá. Đảm bảo cung cầu hàng hoá, quản lý chặt chẽ, chống đầu cơ tăng giá, đặc biệt trong các dịp lễ tết hoặc giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính - ngân sách, nhất là trong các lĩnh vực tài nguyên, đất đai, dịch vụ công. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống gian lận trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, xử lý nợ đọng thuế. Quản lý tài chính - ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, bảo đảm không ách tắc, phiền hà, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp...

"Chúng tôi tin rằng, với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí Thư Thành uỷ, đồng chí Chủ tịch, các đồng chí trong Thành uỷ, HĐND, UBND, Thành phố sẽ hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra." - Bộ trưởng khẳng định.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng làm rõ thêm các ý kiến đề xuất của TP. Hà Nội liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách như: các tuyến đường nối Thành phố và các tỉnh lân cận; công tác quyết toán vốn đầu tư;  hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; cải tạo chung cư cũ; cơ chế tài chính đặc thù; cổ phần hóa...