TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị gì cho Trung tâm tài chính quốc tế
TP. Hồ Chí Minh đưa ra lộ trình triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị gì cho việc triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.

Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính
Theo dự thảo của TP. Hồ Chí Minh, mô hình Trung tâm Tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030. Để triển khai, TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển Fintech (công nghệ tài chính), ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho Trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm và thị trường hàng hóa.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính ngay từ đầu năm nay. Ban chỉ đạo có 29 thành viên, do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
Việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế được đánh giá sẽ tạo nền tảng góp phần cho sự tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, một Trung tâm Tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo và quản trị rủi ro. Đồng thời đủ khả năng cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và chất lượng, đây là nền tảng để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của các trung tâm tài chính.
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn với các giải pháp cụ thể, xây dựng hệ sinh thái và chính sách đãi ngộ hấp dẫn cho chuyên gia tài chính trong và ngoài nước để định cư và làm việc tại trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó là thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đào tạo, bao gồm trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), để vượt qua các thách thức và tận dụng tối đa lợi thế xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số định hướng quan trọng.
Trước hết, TP. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, các khu tài chính hiện đại, và hệ thống công nghệ thông tin. Song song với đó, việc cải cách pháp lý là vô cùng cần thiết.
TP. Hồ Chí Minh cần học hỏi từ các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới như Singapore và Hong Kong để xây dựng khung pháp luật minh bạch, linh hoạt, và hỗ trợ mạnh mẽ cho lĩnh vực tài chính. Các sandbox thử nghiệm công nghệ tài chính cũng nên được triển khai để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Thành phố cũng cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm rào cản hành chính và cung cấp các ưu đãi hấp dẫn.
Các sự kiện quốc tế như hội thảo, diễn đàn tài chính, và triển lãm cần được tổ chức thường xuyên để quảng bá hình ảnh và thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Cuối cùng, TP. Hồ Chí Minh nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, từ trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến dữ liệu lớn. Đồng thời, nâng cao năng lực bảo mật và quản lý rủi ro để đảm bảo an ninh mạng và sự an toàn trong các giao dịch tài chính.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, TP. Hồ Chí Minh không chỉ vượt qua các thách thức mà còn có thể trở thành một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Phương án nào tối ưu?
Liên quan tới đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đề xuất 2 phương án.
Trong đó, phương án 1, Trung tâm Tài chính quốc tế được bố trí tại một phần khu lõi trung tâm thương mại - tài chính (CBD), và một phần diện diện tích quận 1 nằm trong khu lân cận lõi trung tâm (Phân khu 5) của khu trung tâm hiện hữu TP. Hồ Chí Minh.
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời thống nhất với phương án đề xuất tại đề án đã báo cáo và được Bộ Chính trị chủ trương thông qua.
Bên cạnh đó, diện tích 340 ha thể hiện quy mô tương đồng khi so sánh với các Trung tâm Tài chính trên thế giới, có thể huy động nguồn lực đầu tư xây dựng ngay.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án là quy mô nhỏ làm hạn chế dư địa phát triển.
Với phương án 2, việc bố trí các phân khu và diện tích Trung tâm Tài chính quốc tế tại quận1 cũng tương đồng với phương án 1. Tuy nhiên, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bố trí toàn bộ các phân khu chức năng (trừ phân khu 8) với diện tích khoảng 564 ha. Tổng diện tích Trung tâm Tài chính quốc tế theo tính toán khoảng 687 ha.
Việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế như phương án 2 sẽ có nhiều dư địa phát triển. Các tiêu chí sử dụng đất đáp ứng điều kiện để xây dựng một Trung tâm Tài chính tầm cỡ quốc tế có bao gồm các dịch vụ phụ trợ đi kèm.
Tuy vậy, phương án này vẫn còn nhược điểm là chưa tương đồng với quy mô của các Trung tâm Tài chính đã đầu tư thành công trên thế giới, quy mô đầu tư lớn nên khó huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện trong thời gian ngắn.
Hai phương án chỉ khác nhau về quy mô diện tích, các nội dung khác cơ bản tương đồng. Sở Tài Chính kiến nghị chọn phương án 2 để bố trí không gian tại Trung tâm Tài chính quốc tế.
Việc đề xuất này đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính Trị và phù hợp quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền tư Trung ương đến địa phương phê duyệt.
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, trong 687 ha dự kiến thu hút đầu tư, sẽ có 9,2 ha của 11 phân khu tại khu lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm dự kiến đầu tư xây dựng các cơ quan quản lý hoạt động trung tâm tài chính, cơ quan tài phán, cơ quan giám sát hoạt động và các tòa nhà tài chính hiện đại.