TP. Hồ Chí Minh: Hướng đến toàn dân được tham gia công cuộc chuyển đổi số
Đây là nội dung chính của Tọa đàm thực hiện phong trào Bình dân học vụ số do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UB MTTQ) Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố phối hợp tổ chức.

Phổ cập kiến thức công nghệ số đến mọi tầng lớp Nhân dân
Tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cho biết, phong trào Bình dân học vụ số kế thừa tinh thần của phong trào Bình dân học vụ từ những năm đầu cách mạng. Ngày nay, trong kỷ nguyên số hóa, “xóa mù số” cho người dân là một nhu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng với các dịch vụ số, nâng cao chất lượng sống và rút ngắn khoảng cách số trong xã hội.

Theo đó, phong trào Bình dân học vụ số sẽ là một quá trình giáo dục cộng đồng lâu dài, có kế hoạch, có cơ chế và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
“Với vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm đi đầu trong việc thí điểm, nhân rộng các mô hình học tập công nghệ cho cộng đồng. Đặc biệt, tập trung vào nhóm người yếu thế, đẩy mạnh triển khai Bình dân học vụ số là trách nhiệm và là cơ hội để gắn kết chuyển đổi số với đời sống thường ngày của người dân” - ông Trung nói.
Trong vai trò đơn vị điều phối các chương trình phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị trong việc tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo ông Thắng, Thành phố đang có cơ hội vàng khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 và trao cho Thành phố những cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là công cụ đặc biệt giúp Thành phố đi đầu thực hiện các mục tiêu lớn của Nghị quyết 57.

Do đó, phong trào Bình dân học vụ số không chỉ nhằm xóa mù công nghệ mà còn hướng đến phổ cập kỹ năng số cơ bản, giúp người dân tự tin tham gia không gian mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tận dụng công nghệ để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.
Đẩy mạnh các giải pháp đào tạo công nghệ số cho người dân
Để phong trào được triển khai và mang lại hiệu quả, PGS, TS. Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết cần tìm hiểu từng đối tượng, người dân, cán bộ công chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh… làm cơ sở nghiên cứu, thiết kế các chương trình, khóa học phù hợp cho từng đối tượng.
Đồng thời, trong quá trình triển khai, cần phát hiện, sử dụng cá nhân giỏi về chuyên môn công nghệ. Đây là những người có đam mê và ứng dụng chuyển đổi số tiên phong trong đơn vị, chủ động đưa công nghệ vào công việc… Từ đó, phối hợp cùng các trường, giảng viên tham gia thiết kế các khóa học phù hợp với nhu cầu thực tế tại cơ quan, đơn vị và người dân.
Theo bà Nguyễn Ngọc Phương Trà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, chính quyền địa phương nên khảo sát đánh giá mức độ người dân tham gia vào công nghệ để có lộ trình rõ ràng, giúp từng nhóm đối tượng tiếp cận dễ dàng, tiện lợi hơn. Để phát triển phong trào hiệu quả các ngành, các đơn vị cung cấp có thể đầu tư kết nối mạng hạ tầng, hỗ trợ mạng công cộng hay hạ giá cước nhưng nâng chất lượng mạng để khuyến khích người dân sử dụng và thuận lợi trong việc truy cập, học tập.

Ngoài ra, đại biểu tham dự cũng đóng góp ý kiến như thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức các lớp học miễn phí hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, truy cập internet, sử dụng các ứng dụng thiết yếu như thanh toán điện tử, đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Tổ chức các lớp học về chuyển đổi số, mời chuyên gia giảng dạy; triển khai các hình thức học tập tại chỗ, học qua tổ chức đoàn thể, học qua mô hình “mỗi người biết - dạy một người chưa biết”; phát triển kho học liệu mở - bao gồm video hướng dẫn, infographic, bài giảng số – để người dân có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng được hỗ trợ tại nhà văn hóa khu phố…
Phong trào Bình dân học vụ số là sáng kiến nhằm phổ cập kiến thức công nghệ số đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ như người cao tuổi, nông dân, công nhân, người lao động tự do và cư dân vùng sâu, vùng xa. Phong trào được triển khai trên toàn quốc nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.