TP. Hồ Chí Minh: Kiểm tra cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán
Sáng 7/1, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã làm việc, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức – nơi cung cấp rau, củ, quả lớn nhất cho Thành phố.
Đây là hoạt động trọng tâm trong đợt kiểm tra cao điểm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức cho biết, vào những ngày thường, lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm khoảng 3.500 tấn, tuy nhiên những ngày gần Tết lượng hàng hóa đổ về chợ tăng gần gấp đôi, từ 6.000 – 6.500 tấn/đêm. Toàn bộ rau, củ, quả về chợ đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, lấy mẫu kiểm nghiệm đều đặn.
Năm nay, rau, củ, quả của Việt Nam chiếm từ 75-80% tổng lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm, còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Australia…R iêng với các loại hàng hóa nhập khẩu, Ban Quản lý chợ đều kiểm soát hóa đơn, chứng từ nhập khẩu hợp lệ mới cho phép đưa vào chợ.
Để tránh gian lận thương mại, Ban Quản lý chợ yêu cầu tiểu thương có sổ ghi chép và ghi rõ trên bảng hiệu để người mua hàng nắm được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề “đau đầu” nhất vẫn là tình trạng chợ tự phát "ăn theo" xung quanh chợ đầu mối. Dù đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nhưng do chợ nằm giữa địa bàn giáp ranh của TP. HCM và tỉnh Bình Dương nên vẫn chưa xử lý được triệt để.
Ngoài ra, tình trạng sử dụng chất cấm, quá nồng độ trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm xung quanh chợ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, qua kiểm tra, công tác kiểm soát thực phẩm về Chợ đầu mối Thủ Đức hàng đêm đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên bà Lan cho rằng, Ban Quản lý chợ cần làm tốt hơn công tác kiểm soát vấn đề nguồn gốc, xuất xứ của các loại rau, củ quả nhập khẩu.
“Không thể để tình trạng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc mà tiểu thương lại để bảng giới thiệu là trái cây Việt Nam hay trái cây Mỹ. Đó là gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng”, bà Lan yêu cầu.
Ngoài ra, chợ tự phát ăn theo chợ đầu mối cũng cần được dẹp bỏ bởi nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao do không thể kiểm soát.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết, riêng với các chợ đầu mối, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đều có một đội quản lý an toàn thực phẩm túc trực thường xuyên hàng đêm nhằm hỗ trợ các chợ kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.
Các đội quản lý an toàn thực phẩm này xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm và tịch thu, tiêu hủy ngay khi thực phẩm không đạt yêu cầu hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Do lượng hàng hóa đổ về TP. HCM phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán lớn nên trong đợt kiểm tra cao điểm này, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập 30 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các đoàn thanh tra tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết như rau, củ, quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, kho lạnh tích trữ thực phẩm Tết... bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của 24 quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.