TP. Hồ Chí Minh phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi
Kết quả mẫu xét nghiệm số lợn có triệu chứng điển hình của dịch tả lợn châu Phi tại 3 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn phường Tân Tạo, Quận Bình Tân dương tính với virus bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chiều 4/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh cho biết, kết quả mẫu xét nghiệm số lợn có triệu chứng điển hình của dịch tả lợn châu Phi tại 3 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn phường Tân Tạo, Quận Bình Tân là dương tính với virus bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả trường hợp nhiễm dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn.
Trước đó, ngày 3/7, sau khi nhận thông tin một số con lợn ở 3 hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 6 để xét nghiệm xác định nguyên nhân đồng thời, tiến hành tiêu hủy 122 con lợn nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi để ngăn chặn việc lây lan.
TP. Hồ Chí Minh phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 10/6 tại phường Phú Hữu, Quận 9. Đến ngày 3/7, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 13 hộ chăn nuôi có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở các huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, Quận 9 và Quận 12 với tổng số đàn lợn bị tiêu hủy là 2.055 con.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh tuyên truyền, vận động hơn 270 hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa từ các quán ăn, nhà hàng ngừng sử dụng thức ăn thừa trong thời điểm đang xảy ra dịch bệnh để phòng tránh. Tuy nhiên, do thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ cộng với điều kiện chuồng trại tạm bợ, vệ sinh kém nên khả năng xuất hiện các ổ dịch rải rác vẫn rất cao.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố sẽ họp các cơ sở chăn nuôi giống, hộ chăn nuôi quy mô lớn để rà soát lại các biện pháp phòng chống dịch cũng như tuyên truyền khuyến khích hộ chăn nuôi tích cực chăm sóc lợn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Bởi hiện nay khi dịch bệnh lan rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, ở nhiều địa phương thương lái đã ép giá mua lợn hơi xuống còn khoảng 25.000 đồng/kg, bằng với giá hỗ trợ của Chính phủ khiến người chăn nuôi có tâm lý bỏ mặc hoặc bán tháo đàn lợn chưa đến tuổi xuất chuồng. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi mà còn ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ thịt lợn trong và sau thời gian xảy ra dịch bệnh.