TP. Hồ Chí Minh sau hợp nhất Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/9

Đức Mỹ

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan vừa ký ban hành Đề án hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sau sắp xếp có tổng diện tích 6.772,65 km², dân số hơn 13,7 triệu người và 168 đơn vị hành chính cấp xã. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh mới sẽ hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.

Với quy mô dân số và diện tích vượt trội, TP. Hồ Chí Minh  mới sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, tạo đà thúc đẩy kết nối liên vùng, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Với quy mô dân số và diện tích vượt trội, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, tạo đà thúc đẩy kết nối liên vùng, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Không tổ chức HĐND theo mô hình chính quyền đô thị

Theo Đề án, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh mới được hợp nhất từ HĐND của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 và giữ tên gọi khóa X như trước sáp nhập. HĐND Thành phố có 4 ban như mô hình hiện nay, bao gồm các ban chuyên trách đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Với quy mô dân số và diện tích vượt trội, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Ảnh minh họa
Với quy mô dân số và diện tích vượt trội, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Ảnh minh họa

Ở cấp xã, TP. Hồ Chí Minh mới có 90 HĐND cấp xã và 78 phường và không tổ chức HĐND theo mô hình chính quyền đô thị (theo Nghị quyết 131/2020). HĐND cấp xã mới được hợp nhất từ các xã thuộc 3 địa phương, với Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội sẽ hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021-2026. Việc tổ chức HĐND phường nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Các chức danh lãnh đạo HĐND (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các ban) và UBND (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên) không tổ chức bầu mà do Thường trực HĐND chỉ định, bổ nhiệm. Đặc biệt, đề án cho phép chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND ở cả cấp thành phố và cấp xã trong trường hợp cần thiết.

Đề án cũng nêu rõ đối với chính quyền địa phương cấp xã sẽ hoàn thiện tổ chức bộ máy và chính thức hoạt động chậm nhất ngày 15/8. Ở cấp Thành phố, quá trình này hoàn tất chậm nhất ngày 15/9. Các cơ quan của HĐND, UBND xã, phường sau sắp xếp được tổ chức theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan chuyên môn đảm bảo tinh gọn, hiệu quả 

Tương tự, đối với chính quyền UBND TP. Hồ Chí Minh và cấp xã không tổ chức bầu các chức danh lãnh đạo mà do Thường trực HĐND chỉ định, bổ nhiệm. Quy trình sắp xếp tổ chức bộ máy của UBND cấp xã hoàn tất chậm nhất ngày 15/8, cấp UBND TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện chậm nhất ngày 15/9.

Đối với các cơ quan chuyên môn của UBND TP. Hồ Chí Minh mới được tổ chức lại trên cơ sở nguyên trạng các sở của 3 địa phương, đảm bảo tinh gọn và hiệu quả, trong đó, giữ nguyên Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98/2023. Đề án cũng nhấn mạnh việc giữ nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập, với kế hoạch sắp xếp chi tiết trong đề án riêng.

Về phía tổ chức Đảng và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), sau hợp nhất, TP. Hồ Chí Minh có 6 tổ chức đảng cấp trên cơ sở, gồm: Đảng bộ UBND TP. Hồ Chí Minh, Đảng bộ cơ quan Đảng thành phố, Đảng bộ Công an thành phố, Đảng bộ Quân sự thành phố, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng thành phố, và Đảng bộ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; cùng 168 Đảng bộ cấp trên cơ sở (cấp xã).

Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đề án sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đề án tinh gọn đơn vị hành chính. Thành ủy phối hợp Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh mới, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030.

Thành ủy cũng lãnh đạo kiện toàn tổ chức, cán bộ các đảng ủy trực thuộc, bao gồm Đảng ủy UBND, Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có đặc điểm riêng. Đồng thời, chỉ định nhân sự lãnh đạo đảng ủy phường, xã nhiệm kỳ 2025-2030, đồng bộ với nhân sự HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2026-2031, và đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2025-2030.

Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiệp y với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh mới, công nhận danh sách Ủy viên và Ban Thường trực lâm thời. Thành ủy lãnh đạo quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan MTTQ cấp thành phố, đảm bảo hoạt động hiệu quả và đồng bộ với các cơ quan khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là bước đột phá trong cải cách hành chính mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ. Với quy mô dân số và diện tích vượt trội, TP. Hồ Chí Minh mới có tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Siêu đô thị này sẽ thúc đẩy kết nối liên vùng, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Bộ máy quản lý tinh gọn, cùng với sự đồng bộ trong tổ chức Đảng, chính quyền và MTTQ, tạo nền tảng vững chắc để TP. Hồ Chí Minh mới phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của người dân và đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng của cả nước.

 

Sau khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới có 168 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Với diện tích tự nhiên 6.772,65 km² (đạt 135,43% theo tiêu chuẩn) và dân số 13.706.632 người (đạt 979,04% theo tiêu chuẩn), TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành siêu đô thị trung tâm vùng Đông Nam Bộ.

Trung tâm hành chính - chính trị của TP. Hồ Chí Minh được đặt tại 3 cơ sở chính: Trụ sở chính đặt tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh; cơ sở 2 tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP. Thủ Dầu Một; cơ sở 3 tại Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 01 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa.