TP. Hồ Chí Minh: Siết chặt kỷ cương bàn thu đổi, mua bán ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban Mặt trận thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp với ngành Ngân hàng phổ biến thông tin đến người dân về các quy định thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ.
Theo NHNN, nhu cầu thu đổi ngoại ngoại tệ, mua bán ngoại tệ của khách quốc tế, khách du lịch và của người dân vẫn thường xuyên có nhu cầu phát sinh tăng. Hoạt động quản lý hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ trên địa bàn được các cơ quan chức năng phối hợp quản lý. Việc này để tiếp tục đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngoại hối, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc mua, bán ngoại tệ tự do trái quy định pháp luật.
NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn, người dân khi có ngoại tệ tiền mặt được quyền bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh tế được phép hoạt động đại lý đổi ngoại tệ đã được NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đại lý đổi ngoại tệ theo hiện hành.
NHNN thành phố nhấn mạnh, các đại lý đổi ngoại tệ chỉ được dùng Đồng Việt Nam mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy đồng Việt Nam. Ngoại trừ các đại lý đổi ngoại tệ được phép thoái hối (đổi lại tiền Đồng ra ngoại tệ khi rời Việt Nam) đặt tại khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mang hộ chiếu nước ngoài khi xuất cảnh theo quy định.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.
Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của NHNN Việt Nam cho các mục đích như: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định phải khai báo với Hải quan cửa khẩu
NHNN luôn khẳng định, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của công dân Việt Nam được thực hiện tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép (gọi là TCTD được phép).
Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, TCTD được phép có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người dân để thanh toán cho các giao dịch nêu trên căn cứ nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch. Do đó, người dân phải có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ, chứng từ phù hợp với giao dịch thực tế theo hướng dẫn của TCTD được phép đảm bảo việc mua ngoại tệ đúng mục đích và phù hợp quy định pháp luật.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, việc mua, bán, chuyển ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải thực hiện theo đúng các quy định quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.