TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ điểm nghẽn hấp thụ vốn đầu tư công
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2023 được phê duyệt lớn nhất cả nước. Nguồn vốn này có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng các công trình trọng điểm, thực hiện các kế hoạch, nội dung, tạo động lực mới để phục hồi kinh tế-xã hội cho TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh được giao 54.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng đến ngày 31/1/2023 mới giải ngân được 71,3%. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công cho TP. Hồ Chí Minh là 70.518 tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 54% so với kế hoạch được UBND TP. Hồ Chí Minh phân bổ năm 2022.
Đến hết ngày 21/5/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 4 quyết định giao vốn đầu tư công năm 2023 với tổng giá trị 68.490,57 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong quý I/2023, TP. Hồ Chí Minh giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 2%; nhiều dự án đầu tư công và đầu tư xã hội đều “khát” vốn; tăng trưởng tiêu dùng nội địa không như kỳ vọng. Tỷ lệ giải ngân của Thành phố đạt được chủ yếu đến từ công tác giải ngân bồi thường Dự án đường vành đai 3, tuy nhiên vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (tính đến 30/4/2023 là 14,66% kế hoạch).
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn không đạt kế hoạch là bởi bất cập trong thủ tục thực hiện dự án, giá vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt cũng là giải phóng mặt bằng chậm.
Người đứng đầu TP. Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế của Thành phố có độ mở cao, tác động gần như đồng thời với những diễn biến của tình hình thế giới. Điều này được minh chứng qua việc lĩnh vực xuất khẩu của Thành phố gặp khó khăn. Trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp qua cửa khẩu cả nước ước đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 3,5%).
Trong các nhóm giải pháp vực dậy kinh tế, TP. Hồ Chí Minh xác định công cụ đầu tư công là “đòn bẩy”. Thời gian qua, Thành phố đã giải quyết 141 kiến nghị của khối doanh nghiệp nhà nước giúp hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp này “chạy” trơn tru.
TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có để thúc đẩy dòng vốn tín dụng “chảy” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy đầu tư xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh về đất đai, thuế, thủ tục hành chính.
Thường trực UBND Thành phố đã xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong quý II/2023, trong đó tập trung cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính; khơi thông các điểm nghẽn gây ách tắc hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo công ăn việc làm; tạo khí thế niềm tin cho nền kinh tế...