Kiến nghị xem xét kiểm điểm tổ chức, cá nhân gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công
Tại họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào ngày 19/5/2023, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cho biết, UBTCNS kiến nghị Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm khách quan, chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ.
Ủy viên thường trực UBTCNS Trần Văn Lâm cho biết, Quốc hội đã giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trước ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai chậm trễ nên sau 31/3 vẫn còn số vốn rất lớn chưa được phân bổ. Theo quy định, số vốn này sẽ không được phân bổ tiếp mà đưa vào ngân sách dự phòng.
Theo đại diện UBTCNS, đây là số vốn rất lớn, nếu không được phân bổ tiếp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan tham mưu đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tiếp tục xem xét tại kỳ họp này. Trường hợp nào đủ điều kiện phân bổ thì có thể được xem xét phân bổ nốt; nếu không đủ điều kiện thì đưa vào vốn dự phòng.
Ông Trần Văn Lâm thông tin cụ thể, tổng số vốn đầu tư công theo Chương trình phục hồi là 176.000 tỷ đồng, số đã phân bổ là khoảng 161.800 tỷ đồng, còn lại khoảng 14.100 tỷ đồng chưa phân bổ. Vốn của Chương trình phục hồi sau khi thẩm tra sẽ giao tiếp 13.000 tỷ đồng cho 45 dự án, còn lại hơn 700 tỷ đồng chưa đủ thủ tục thì sẽ không tiếp tục được phân bổ.
Liên quan đến vốn đầu tư công trung hạn, số chưa phân bổ còn 279.000 tỷ đồng và phần lớn trong số này sẽ được tiếp tục xem xét phân bổ.
Đáng chú ý, về vấn đề trách nhiệm chậm phân bổ, Ủy viên thường trực UBTCNS Trần Văn Lâm nhấn mạnh, để chậm trễ như trên là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của Đất nước vào sử dụng, đây cũng là lãng phí.
Do vậy, UBTCNS kiến nghị Quốc hội xem xét, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm khách quan, chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ.