TPP - cú hích mới nền kinh tế?

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Xung quanh câu chuyện TPP có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp, hiệp hội… Xin ghi lại ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã từng chia sẻ tại một buổi tọa đàm về TPP.

TPP - cú hích mới nền kinh tế?
Tự do hóa thương mại trên thế giới đang được coi là thế hệ hai của tự do hóa thương mại. Nguồn: internet

Các hiệp định song hành cùng TPP

Hiện nay chúng ta đang rất nóng TPP nhưng trên thực tế cũng có rất nhiều hiệp định khác mà Việt Nam tham gia nóng không kém, ảnh hưởng không kém TPP. Chính vì thế, nếu thiếu sự quan tâm đúng mức có thể chúng ta sẽ sa lầy vì cái khác chứ không phải vì TPP.

Trước hết nói về khu vực ASEAN, Việt Nam hiện đang là một thành viên của ASEAN và ASEAN sẽ thành lập cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Lúc đó sẽ có những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nó không chỉ là tự do về hàng hóa hay dịch vụ mà còn là tự do về lao động.

Lấy một thí dụ riêng trong ngành du lịch, nếu lao động trong ngành này được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận về tay nghề tương đương, ngành du lịch Việt Nam sẽ phải đối đầu với thách thức đó như thế nào khi nhân lực của ngành thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Rất có thể lúc đó các khách sạn, khu du lịch sẽ toàn là người Malaysia, Thái Lan, Indonesia… đến làm quản lý thay cho người Việt Nam. Đó là một thách thức thực tế.

Ngoài ra còn có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (ASEAN + 6 gồm 10 nước ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealeand, Australia). Các thành viên khu vực này cũng đang ngồi lại và nỗ lực để hoàn tất đàm phán vào năm 2015.

Từ ngày 24 đến 26/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Hiện nay, Hoa Kỳ đang đóng vai trò quan trọng trong TPP. Bởi vậy, chuyến công du tới Hoa Kỳ lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bên cạnh ý nghĩa quan trọng về chính trị, còn được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP của Việt Nam.

Có 3 mục tiêu chủ yếu RCEP đang hướng tới. Thứ nhất, tự do hóa thương mại để các nước tiếp tục giảm thuế quan, mở cửa thị trường cho nhau. Thứ hai, thuận lợi hóa thương mại. Thứ ba, tạo ra những mạng lưới kinh doanh hữu hiệu hơn trong khu vực. Nếu không cẩn trọng khi tham gia khi vực này sẽ dẫn đến hệ quả là những lợi ích khi mở cửa thị trường sẽ tạo điều kiện cho các nước tận dụng lợi thế Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam danh nghĩa thì có nhưng thực tế không được bao nhiêu. Bởi thực tế xuất khẩu của Việt Nam hiện nay 65% nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài và không biết trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào.

Có thể xem TPP và RCEP là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thêm yếu tố Nhật Bản. Vì thế, các nước nhỏ hơn phải thấy vị trí của mình, dù quy tắc của mọi vòng đàm phán đều là tự do và bình đẳng giữa các đối tác. Thế nhưng trên thực tế rất khó có chuyện tự do tuyệt đối, bình đẳng tuyệt đối trong một cuộc chơi mà ai cũng muốn các bên cùng thắng, nhưng rõ ràng có những bên thắng nhiều hơn và có những bên cũng gọi là thắng nhưng ít hơn. Những anh nào yếu hơn, phần thua về mình có thể thấy chắc. Song quan trọng là dù đã nhận thức được những cái thấy thua mà không nỗ lực, cứ để mình thua, theo tôi đó là vấn đề của Việt Nam hiện nay.

Một hiệp định quan trọng khác cũng cần được nhắc đến là Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU. Có một câu hỏi đặt ra đối với Việt Nam là làm sao tạo ra giá trị gia tăng hơn cho mỗi sản phẩm của Việt Nam kể cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu? Làm sao để gắn hơn giữa thương mại với đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Bởi lẽ đầu tư nước ngoài Việt Nam vẫn rất cần nhưng làm sao dung hòa được lợi ích, không để nước ta biến thành cứ điểm thương mại của nhà đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp Việt Nam không còn chỗ đứng thích hợp.

Kỳ vọng

Tự do hóa thương mại trên thế giới đang được coi là thế hệ hai của tự do hóa thương mại. Khác với thế hệ một - thế hệ có bản chất cơ bản là xóa bỏ các hàng rào trong kinh doanh thương mại - thế hệ hai của tự do hóa thương mại có tư tưởng nhất quán là thuận lợi hóa thương mại. WTO bây giờ cũng đang bị đòi hỏi cải cách thành WTO.2 với mục tiêu chính là thuận lợi hóa thương mại. Đối với Việt Nam câu chuyện chính là làm sao nâng cao giá trị gia tăng, lợi thế của mình trong các lĩnh vực khác nhau.

Với TPP tôi có một câu hỏi rất lớn mà chưa giải đáp được đó là chúng ta sẽ có một kết quả của TPP như hiệp định song phương (BTA) với Hoa Kỳ vào năm 2002 hay có một kết quả như WTO vào năm 2007. Khi chúng ta ký BTA với Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam đang xuống dốc sau khi lên đỉnh cao vào năm 1995, 1996, nhưng lại rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế chung. Ở hiệp định này chúng ta đã có những thay đổi rất lớn thông qua việc đưa ra Luật Doanh nghiệp năm 2000. Luật này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đồng thời tạo sức ép cho doanh nghiệp nhà nước tự cải cách mình. Cùng với BTA chúng ta quyết định tăng cường đàm phán WTO, từ đó đã đưa ra hàng loạt cải cách.

Song khi vào được WTO rồi không phải chỉ doanh nghiệp ngộ nhận với nhau là tất cả phơi phới đi lên, mà dường như cả một số người điều hành cũng bị một cái nhầm lẫn khi nghĩ rằng tất cả đều tốt rồi và cho ra đời các tập đoàn kinh tế, kinh doanh đa ngành nghề… Bởi thực tế, khi gia nhập WTO chúng ta đã hào hứng với những cơ hội mới, để rồi sau đó vài năm cay đắng nhận ra rằng với các “cuộc chơi” mang tính quốc tế, mọi điều đều không dễ dàng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp khiến các cơ hội hội nhập mang lại không được tận dụng.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nội “thua trên sân nhà” khi thị trường mở ra cho các nhà đầu tư ngoại. Vì thế, dù thấy rõ những lợi ích TPP mang lại, nhưng để không lặp lại những gì trong quá khứ, chúng ta phải sớm nhận rõ các thách thức đặt ra để đề ra giải pháp hóa giải. Nếu không, cú hích TPP mới vẫn có thể mang lại những tác dụng ngược trong quá trình hội nhập.