Tra cứu cam kết, ưu đãi thuế các FTA: Vào Cổng thông tin FTAP


Cổng thông tin FTAP cung cấp những thông tin căn bản và hữu ích đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường FTA, và các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường các FTA, cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên thị trường nội địa - để lên kế hoạch ứng phó với hàng nhập khẩu từ các FTA.

Cổng thông tin FTAP - Công cụ tra cứu

Cổng thông tin FTAP là một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến.

Theo đó, Cổng thông tin FTAP tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn  tích hợp đầy đủ các hiệp định thương mại tự do đa phương, khu vực và song phương của Việt Nam vào trong một trường thông tin mang tinh đồng bộ, hệ thống.

Doanh nghiệp và người dân có thể tra cứu các mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế đối với từng mặt hàng cụ thể theo các FTA của Việt Nam với các đối tác, đặc điểm quy mô thị trường, quy tắc xuất xứ, các thủ tục cần thực hiện và các biện pháp phi thuế mà doanh nghiệp cần lưu ý...

Lấy một trường hợp cụ thể như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU, doanh nghiệpcó thể truy cập theo 2 cách. Thứ nhất, truy cập trực tiếp Cổng thông tin FTAP tại địa chỉ http://fta.moit.gov.vn Thứ hai, truy cập gián tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ http://moit.gov.vn , trên giao diện phía bên phải có link liên kết với Cổng thông tin FTAP. Sau đó, vào mục Hiệp định, rồi chọn 1 hiệp định (như EVFTA chẳng hạn).

Để tra cứu các mức thuế, lộ trình cắt giảm thuế vào 27 nước thành viên EU, doanh nghiệp click vào biểu tượng Cam kết chính, sẽ hiện ra toàn bộ thông tin, gồm: Cam kết thuế nhập khẩu của EU, lộ trình thực hiện cam kết thuế đối với một số mặt hàng của EU;  Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam, lộ trình thực hiện cam kết thuế đối với một số mặt hàng của Việt Nam; cam kết hạn ngạch thuế thuế quan đối với một số mặt hàng, cơ chế quản lý và phân bổ hạn ngạch thuế quan của Việt Nam và EU; cam kết về quy tắc xuất xứ với 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa; Cam kết của Việt Nam và EU về thương mại dịch vụ đầu tư đối với các phân ngành: Dịch vụ ngân hàng, Dịch vụ viễn thông, Dịch vụ vận tải, Dịch vụ phân phối; Cam kết trong lĩnh vực Mua sắm của Chính phủ; Cam kết về sở hữu trí tuệ.

Thương mại và phát triển bền vững

Trong các cam kết kể trên, cam kết về Thương mại và phát triển bền vững khá đặc biệt, liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gồm  các nội dung chính: Đa dạng sinh học, Biến đổi khí hậu, Quản lí tài nguyên rừng và thương mại lâm sản, Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản, Lao động và Minh bạch hóa. Cổng thông tin FTAP cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cơ bản của Chương 13, hiệp định EVFTA, cụ thể như sau:

Đa dạng sinh học

Các Bên thừa nhận chủ quyền tài nguyên của các quốc gia và quyền quyết định việc được phép tiếp cận nguồn gen là của Chính phủ mỗi Bên và tùy thuộc vào pháp luật trong nước. Các Bên sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn gen với mục đích đúng đắn, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn gen phải có sự đồng ý được thông báo trước của Bên cung cấp, trừ khi Bên đó quy định khác.

Ngoài ra, hai Bên sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về các chiến lược, sáng kiến, chính sách, chương trình, kế hoạch hành động và chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng nhằm ngăn chặn sự biến mất đa dạng sinh học và giảm áp lực về đa dạng sinh học.

Biến đổi khí hậu

Các Bên cam kết sẽ thực thi, hợp tác nhằm đạt được các mục đích liên quan đến biến đổi khí hậu được quy định trong một số hiệp định quốc tế về môi trường gồm Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC và Hiệp định Paris. Các Bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng gồm: (i) xây dựng, thực thi và vận hành các cơ chế định giá các-bon, (ii) thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, (iii) tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.

Quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản

Tăng cường thúc đẩy thương mại lâm sản từ những khu rừng được quản lý bền vững, trao đổi thông tin về các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.

Quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản

Cam kết tuân thủ các Công ước quốc tế về Luật Biển, các hiệp định về bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Trong đó, hai Bên nhấn mạnh tích cực tham gia đấu tranh chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững dựa trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Lao động

Cam kết tiếp tục và duy trì các nỗ lực nhằm phê chuẩn các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và xem xét việc thông qua các công ước khác được ILO phân loại là phù hợp với thời điểm hiện tại, có tính đến điều kiện trong nước. Ngoài ra, các Bên tái khẳng định cam kết của mình về việc thực hiện có hiệu quả luật pháp và quy định trong nước và các Công ước của ILO đã được phê chuẩn.  

Minh bạch hóa

Các Bên phải công khai, minh bạch các vấn đề gồm: quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, các biện pháp liên quan đến bảo vệ môi trường có thể ảnh hưởng tới thương mại đầu tư; đối thoại, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến quá trình xây dựng, thực thi các chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, lâm nghiệp, thủy sản và tài nguyên biển; và đảm bảo sử dụng các thông tin và bằng chứng khoa học, các hướng dẫn, tiêu chuẩn quốc tế một cách thích hợp trong quá trình xây dựng và thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường.

Đây là những thông tin căn bản và hữu ích đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường  FTA, và các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường FTA, cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên thị trường nội địa - để lên kế hoạch ứng phó với hàng nhập khẩu từ các FTA.

Theo Tạp chí Công thương